Cần chia sẻ trách nhiệm trong cung ứng điện năm 2024 khi thiếu nguồn
Phụ tải tăng cao
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, lũy kế cả quý I, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 69,4 tỷ kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với điện thương phẩm, tăng trưởng tại các vùng miền trên cả nước đều ở mức cao. Thống kê cho thấy, quý I, tổng sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đạt 21,6 tỷ kWh, tăng 11,71% so với cùng kỳ; tăng trưởng điện thương phẩm tại TP. Hồ Chí Minh là 10,79%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Trong khi đó, điện thương phẩm của Tổng công ty điện lực miền Nam đạt 21 tỷ 748,99 triệu kWh, tăng 14,42% so với cùng kỳ 2023.
Sản xuất công nghiệp mở rộng, nhiệt độ tăng cao do nắng nóng trên diện rộng đã khiến nhu cầu điện tăng cao dẫn đến việc cung ứng điện có thể gặp khó khăn, đặc biệt tại miền Bắc.
Theo dự báo phụ tải của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia với kịch bản tăng trưởng cao 15% khu vực miền Bắc vào thời điểm cao điểm nắng nóng 2024 có thể phải tiết giảm 2.800MW. Dự báo này được đưa ra khi nguồn dự phòng của các nhà máy khu vực miền Bắc còn yếu, xác suất sự cố nhà máy điện có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến thiếu công suất phải tiết giảm điện.
Chủ động phương án
Mặc dù đã có kế hoạch, giải pháp đảm bảo điện cho cả năm 2024 và mùa khô nhưng căn cứ thực tế nguồn và lưới điện hiện nay, các địa phương đều cho rằng cần phải chủ động chuẩn bị thực hiện các phương án tổ chức thực hiện nhằm mục đích cung cấp điện chủ động, thực hiện đúng các quy định của cấp có thẩm quyền trong việc cung ứng điện, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.
Năm 2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 34/2011/TT-BCT về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện. Trong đó nêu rõ, khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của việc tiết giảm điện tới hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Cụ thể, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu phụ tải điện; thoả thuận với khách hàng sử dụng điện có nguồn điện dự phòng tại chỗ để khai thác các nguồn điện này khi xảy ra thiếu điện; thoả thuận với khách hàng công nghiệp - xây dựng về phương thức tiết giảm điện luân phiên khi hệ thống thiếu điện năng hoặc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh để giảm công suất tiêu thụ điện tại các giờ cao điểm khi hệ thống thiếu công suất; bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, xây dựng và thực hiện các phương án giảm nhu cầu sử dụng điện phù hợp với khả năng cung ứng điện.
Trong trường hợp đã thực hiện các biện pháp trên mà sản lượng điện, công suất tiêu thụ của các tổng công ty điện lực, công ty điện lực cấp tỉnh vẫn có khả năng vượt mức sản lượng điện, công suất được phân bổ thì phải thực hiện tiết giảm điện đối với khách hàng sử dụng điện (trừ các khách hàng sử dụng điện quan trọng hoặc các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng được UBND cấp tỉnh phê duyệt). Việc tiết giảm điện phải đảm bảo luân phiên,công bằng, không tiết giảm điện kéo dài đối với một khu vực hoặc một phụ tải điện, đáp ứng hợp lý nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
EVN đang nỗ lực đẩy nhanh các công trình lưới để đảm bảo cấp điện (ảnh minh hoạ) |
Chia sẻ với những khó khăn của ngành điện cũng như thực hiện các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang ban hành Kế hoạch, phương án cung ứng điện năm 2024 khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn hoặc vận hành trong chế độ khẩn cấp, làm cơ sở để các công ty điện lực địa phương thực hiện điều chỉnh, tiết giảm phụ tải (quy định tại thông tư 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công Thương). Đơn cử như Bình Định và Ninh Bình...
UBND tỉnh cũng giao cho công ty điện lực địa phương đẩy mạnh truyền thông rộng rãi về khả năng nguồn cung ứng điện và nguy cơ có thể phải tiết giảm phụ tải vào một số khung giờ cao điểm trong những tháng mùa hè. Đẩy mạnh truyền thông tiết kiệm điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Chủ động phối hợp với khách hàng tổ chức ký thỏa thuận điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải; ký cam kết tiết kiệm điện và thỏa thuận huy động nguồn điện thay thế với khách hàng lớn; phối hợp với khách hàng kiểm tra việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký. Thường xuyên bám sát tình hình vận hành, sử dụng điện trên hệ thống, kịp thời điều chỉnh nguồn điện bảo đảm cung ứng điện tối ưu.
Trong trường hợp ngừng cấp điện sửa chữa, ngừng cấp điện do thiếu nguồn, chủ động xây dựng các kế hoạch, kịch bản ứng phó, phương án điều tiết phụ tải điện.
UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn |
Các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thông tin về kế hoạch để khách hàng chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc tiến độ; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền để giải quyết để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, xã hội cùng chung tay thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thuận, chia sẻ với các cơ quan quản lý trong việc thực hiện tiết giảm điện năng; giám sát, kiểm tra, phát hiện và thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hhực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan, đơn vị vận hành hệ thống điện khi có yêu cầu.