Cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động: Ưu tiên cán bộ công đoàn được đào tạo chuyên ngành
Trong kế hoạch gửi các đơn vị, doanh nghiệp (DN), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh đến việc ưu tiên bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các cấp công đoàn được đào tạo chuyên ngành về ATVSLĐ hoặc chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở lĩnh vực DN có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, những địa phương có nhiều DN và khu công nghiệp, đông công nhân lao động.
Ưu tiên ở lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động |
Trên thực tế, chỉ khi mỗi cán bộ công đoàn có kiến thức, nghiệp vụ thì mới phát hiện kịp thời những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong các chính sách, pháp luật về ATVSLĐ để kiến nghị nhà nước sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp...
Để nâng cao vai trò, kiến thức cho cán bộ công đoàn, Tổng LĐLĐ sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn tại LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, LĐLĐ cấp huyện có nhiều DN, đông công nhân lao động, công đoàn tổng công ty thuộc các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Việc tập huấn cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, ở tất cả các cấp với nội dung, phương thức ngày càng đổi mới, hiệu quả; chú trọng cập nhật những điểm mới, những mô hình và kinh nghiệm cụ thể, sát thực.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ yêu cầu, các cấp công đoàn cần tích cực, chủ động tham gia hoàn thiện pháp luật về ATVSLĐ. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc; nghiên cứu, đề xuất bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; sửa đổi, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện công tác ATVSLĐ, tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách cụ thể, sát thực, nhất là với công đoàn cơ sở.
Ngoài ra, cần quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ và văn bản hướng dẫn thực hiện về quyền, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ; về vai trò, quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tham gia cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ; hướng dẫn, phổ biến đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho NLĐ tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo đảm ATVSLĐ.
Đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp công đoàn với cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ, để kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ mất ATVSLĐ, từ đó ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho NLĐ…
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ATVSLĐ cho NLĐ, các cấp công đoàn nên đẩy mạnh ứng dụng, phát triển rộng rãi công nghệ thông tin và mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền… |