Các quỹ đầu tư quay lại “rót” hàng nghìn tỷ vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 10/2022 của SSI Research, dòng tiền vào các tài sản tài chínhđảo ngược xu hướng rút ròng trong 2 tháng trước đó.
Dòng vốn ETF và quỹ chủ động giải ngân hàng nghìn tỷ vào thị trường chứng khoán Việt Nam |
Theo đó, tâm lý thị trường có sự cải thiện trong tháng 10, khi các rủi ro liên quan đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ, suy thoái hay rủi ro địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã phản ánh phần lớn vào định giá của thị trường trong 9 tháng đầu năm và không có nhiều diễn biến bất ngờ mang tính tiêu cực xảy ra trong tháng.
SSI Research cho rằng, việc thị trường phản ánh xác suất cao khả năng Fed sẽ chậm dần tốc độ tăng lãi suất từ tháng 12 đã kích hoạt dòng vốn rót vào các quỹ cổ phiếu 29 tỷ USD, mức vào ròng đầu tiên sau 3 tháng. Bên cạnh đó, các quỹ tiền tệ cũng ghi nhận mức vào ròng lớn 131 tỷ USD, cao nhất từ tháng 4/2020, cho thấy mức độ sẵn sàng của dòng tiền giải ngân vào các tài sản rủi ro.
Đáng chú ý, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) bật nhanh từ mức rút ròng trước đó với mức vào ròng gần 25 tỷ USD, đóng góp chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (giải ngân lên tới 35 tỷ USD), chủ yếu từ các quỹ ETF (vào ròng 49,7 tỷ USD).
Bên cạnh đó, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi được cải thiện khi vào ròng 4,2 tỷ USD, chủ yếu đến từ các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc.
SSI Research duy trì quan điểm tích cực hơn về việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt tới các quỹ cổ phiếu trong ngắn hạn. Diễn biến thị trường trong 10 tháng qua đã phản ánh phần lớn rủi ro trên. SSI Research kỳ vọng dòng tiền sẽ bắt đầu giải ngân vào các quỹ cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh đã kích hoạt dòng tiền giải ngân từ nhóm quỹ ETF và chủ động. Nhờ đó, dòng vốn ETF phục hồi tích cực trong tháng vừa qua khi nhiều quỹ ETF lớn ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vào khá tốt.
Cụ thể như các quỹ đã giải ngân như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10.
Trong tháng 10, các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022 (chỉ sau tháng 5). Luỹ kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã hút thêm 11.412 tỷ đồng.
Dòng vốn ETF và dòng vốn các quỹ chủ động ở Việt Nam từ năm 2020 đến nay |
Bên cạnh đó, dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực khi ghi nhận tổng giá trị vào ròng gần 700 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng trong 10 tháng đầu năm, chỉ còn hơn 1.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cũng trong tháng 10, nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 4,6 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng, sau mức sụt giảm mạnh của thị trường xuất phát từ các yếu tố bất ngờ nội tại.
SSI Research cho rằng, các biến số vĩ mô trong ngắn và trung hạn (từ 3 - 6 tháng tới) đang cho thấy những thách thức lớn trong việc điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm duy trì một môi trường vĩ mô ổn định và những bước đi chính sách tiếp theo, mang tính chất tiếp tục siết chặt hay hỗ trợ các điều kiện tài chính trên thị trường sẽ là yếu tố ảnh hướng tới việc lựa chọn đầu tư vào Việt Nam hay không.
Theo các chuyên gia SSI Research, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tích cực trong dài hạn. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần, dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam.