Các nền kinh tế APEC đẩy mạnh phân phối vắc-xin Covid-19
Các nền kinh tế APEC đã cam kết “hành động táo bạo” trong ba lĩnh vực: sử dụng thương mại như một công cụ để ứng phó với đại dịch, hỗ trợ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc và để đảm bảo rằng bối cảnh kinh tế ở mỗi nền kinh tế cho phép thương mại và đầu tư trở thành động lực cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài. Cụ thể, APEC ưu tiên xác định và sau đó xem xét loại bỏ các rào cản không cần thiết đối với thương mại dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, 21 nền kinh tế APEC đã không cam kết dỡ bỏ hoặc giảm thuế quan. Hầu hết các thành viên của Nhóm Ottawa (Australia, Canada, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand và Singapore) cũng là thành viên của APEC, đã kêu gọi các thành viên WTO tăng cường hợp tác và làm việc để nâng cao các quy tắc toàn cầu nhằm tạo thuận lợi cho thương mại các mặt hàng y tế thiết yếu. Trong khi mức thuế trung bình của APEC đối với vắc-xin thấp, vào khoảng 0,8%, thì mức thuế đối với các sản phẩm khác quan trọng trong chuỗi cung ứng vắc-xin lại cao hơn. Thuế quan đối với dung dịch cồn, thiết bị đông lạnh, vật liệu đóng gói và bảo quản, lọ, nút cao su trung bình hơn 5% và có thể cao tới 30% ở một số nước APEC.
Các thành viên của APEC cũng đã đưa ra một tuyên bố độc lập về chuỗi cung ứng vắc- xin Covid-19 rằng trong khi các quy định của WTO cho phép hạn chế hoặc cấm xuất khẩu trong một số trường hợp nhất định, APEC nhấn mạnh các nền kinh tế áp dụng các biện pháp đó đối với vắc-xin Covid-19 và các hàng hóa liên quan sẽ đánh giá sự cần thiết liên tục của chúng khi các điều kiện Covid-19 thay đổi, để đảm bảo chúng vẫn được nhắm mục tiêu, phù hợp, minh bạch, tạm thời và không tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại. Nhiều chuyên gia y tế coi các rào cản thương mại cản trở xuất nhập khẩu vắc-xin là một trong những yếu tố lớn nhất ngăn cản việc tiêm chủng nhiều hơn ở các nước đang phát triển.
APEC đã cam kết tạo ra một Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương và kêu gọi một “thỏa thuận toàn diện và có ý nghĩa” nhằm giảm trợ cấp thủy sản có hại vào cuối tháng 7. Một trong những đóng góp quan trọng nhất mà WTO có thể thực hiện để củng cố uy tín của mình như một diễn đàn đàm phán các quy tắc mới và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là kết thúc thành công của các cuộc đàm phán trợ cấp thủy sản trong năm nay. Hội nghị bộ trưởng của WTO được lên kế hoạch từ ngày 30/11 đến ngày 3/12.