Các hợp tác xã phải chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” do Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 12/10, tại Hà Nội.
Chỉ có khoảng 10% hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng
Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII (Ảnh: Viết Niệm, Báo điện tử Dân Việt) |
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP.
Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy vậy, các hợp tác xã hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác.
Đáng chú ý, theo khảo sát của hệ thống liên minh, hiện chỉ có khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các hợp tác xã nông nghiệp, tỉ lệ này còn thấp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề chính, đó là: Thực trạng phát triển kinh tế tập thể nói chung và tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội Nông dân Việt Nam vận động, hỗ trợ thành lập; chia sẻ kinh nghiệm, bài học và cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết đa giá trị…
Chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong 9 tháng vừa qua, tăng trưởng tín dụng đối với nông dân, hợp tác xã qua Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 30.000 tỷ, đưa tổng dư nợ lên 170.000 tỷ. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh VGP) |
Với mục tiêu phấn đấu số lượng hợp tác xã mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, hoạt động hiệu quả, thiết thực, có liên kết. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.
“Hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng”, đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Minh Khái cũng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".
Các nội dung Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Trong 9 tháng năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định sự phát triển ổn định, bền vững. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước, vừa bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản. Do đó, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị, trong Đề án phải đề xuất các giải pháp để "gia cố" cho trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng mạnh và bền vững.
Cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường.
Một yếu tố hết sức quan trọng là các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Các hợp tác xã cũng cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
3 vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển kinh tế tập thể giai đoạn mới
Nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu, nông dân, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - cho rằng, có 3 vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Một là, khẩn trương xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu không có vùng nguyên liệu thì sẽ không có hợp tác xã; hợp tác xã sẽ không thể mang tính chất dẫn dắt, kết nối nông dân với nhau. Muốn có doanh nghiệp vào thì phải có đủ nguyên liệu cho nhà máy.
Hai là phải có chính sách bảo hiểm cho vấn đề này, nếu không khi xảy ra rủi ro sẽ vỡ ngay. Bảo hiểm sẽ giúp bà con yên tâm tham gia sản xuất, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của sản phẩm.
Ba là, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ quản trị hợp tác xã.
Tại sao chúng ta cứ thấy khó khăn về vốn? Ông Lương Quốc Đoàn đặt vấn đề và cho rằng, cần phải nhìn nhận sự thật là nếu chúng ta làm tốt thì chính các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ vào đầu tư cho hợp tác xã. Ngân hàng thừa tiền mà sao hợp tác xã không vay được? Đó là do hợp tác xã chưa có đội ngũ quản trị mạnh, không đảm bảo và phát huy được nguồn vốn vay.
“Chúng tôi đề nghị các nông dân Việt Nam xuất sắc, các hợp tác xã tiêu biểu phấn đấu trở thành hạt nhân dẫn dắt phát triển kinh tế tập thể, thực hiện tri thức hoá nông dân – giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 19”, ông Lương Quốc Đoàn đề nghị.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ hết sức quán triệt triển khai quyết liệt, tích cực hỗ trợ nông dân, báo cáo Thủ tướng. Hội Nông dân Việt Nam sẽ coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để hỗ trợ nông dân, đổi mới phương thức hỗ trợ, phát triển hội viên nông dân trong phát triển kinh tế tập thể.
Ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc. (Ảnh: Viết Niệm - Báo điện tử Dân Việt) |
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, được sự đồng ý và cho phép của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc nhằm kết nối, chia sẻ với gần 800 nông dân xuất sắc đã được bình chọn, tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự chủ hoạt động với các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú.