Các dự án thủy điện tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Vai trò quan trọng
Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác, trong đó, 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn và 253 hồ vừa và nhỏ, tổng dung tích các hồ chứa khoảng 56 tỷ m3. Công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện khoảng 20.586 MW, chiếm 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.
Thả cá tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân quanh khu vực lòng hồ thủy điện A Vương |
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có hệ thống sông suối dày đặc, địa hình dốc, có tiềm năng lớn để phát triển các dự án thủy điện. Toàn khu vực hiện đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang, tổng công suất 7.025 MW, và 156 thủy điện nhỏ với tổng công suất 1.565 MW. Ngoài ra, còn nhiều dự án đang thi công xây dựng hoặc đã được quy hoạch. Các dự án thủy điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là cấp điện cho khu vực miền Nam.
Sự phát triển của các dự án thủy điện đã thúc đẩy và làm thay đổi kết cấu hạ tầng cho nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi nơi đặt dự án.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết, tỉnh đang có 49 dự án thủy điện đã đi vào vận hành (trong đó có 8 dự án thủy điện công suất lớn và 41 dự án thủy điện nhỏ). Các dự án thủy điện được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trên địa bàn đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy nguồn lực đất đai; góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung; tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch địa phương.
Cũng theo ông Phạm Văn Binh, khi xây dựng thủy điện, các chủ đầu tư tập trung vào hạ tầng giao thông ở khu vực dự án, vừa phục vụ thi công, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Cụ thể, chủ đầu tư thủy điện Ialy đã làm khoảng 36 km đường giao thông cấp IV miền núi, từ thị trấn Phú Hòa vào thị trấn Ia Ly; chủ đầu tư thủy điện Sê San 4 làm khoảng 70 km đường giao thông cấp IV miền núi từ thành phố Pleiku vào xã Ia O, huyện Ia Grai... Bên cạnh đó, một số thị trấn, thị tứ, khu dân cư tổ, thôn được hình thành nhờ vào việc xây dựng thủy điện, kéo theo dịch vụ phụ trợ cũng phát triển.
Bên cạnh đó, các dự án thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đã huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước.
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum - khẳng định: Các dự án thủy điện đã làm tăng giá trị đầu tư vào ngành công nghiệp. Giá trị đầu tư của nhà máy thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 2.500 tỷ đồng; từ năm 2016 đến hết năm 2020 khoảng trên 17.310 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, trong giai đoạn 2007-2020, các dự án thủy điện ở địa phương đã được đầu tư với tổng số vốn khoảng 35.000 tỷ đồng. Những dự án thủy điện đã đi vào vận hành mỗi năm đều đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Điển hình như tại tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2020, thủy điện đã đóng góp gần 3.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh, riêng trong năm 2020 là 850 tỷ đồng.
Cải thiện đời sống của người dân
Do đặc thù xây dựng, các dự án thủy điện đều đặt tại huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sự phát triển của dự án thủy điện góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủy điện Sê San |
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dự án thủy điện đã đi vào vận hành và đang thi công giải quyết việc làm cho 1.800 người lao động, trong đó, có nhiều lao động là người địa phương nơi đặt dự án. Cùng với đó, với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn đóng góp của dự án thủy điện đã giúp người dân tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; qua đó, góp phần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng.
Tổng giá trị tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà các nhà máy thủy điện đã nộp đến nay là 625,154 tỷ đồng, năm 2020 (tính đến quý III) là 74,592 tỷ đồng.
Tại tỉnh Kon Tum, đại diện Sở Công Thương cho biết, từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, đã đóng góp một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng. Đáng chú ý, do dự án thủy điện phần lớn đều nằm ở vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi của tỉnh Kon Tum còn rất nhiều khó khăn, thông qua việc đầu tư lưới điện phục vụ thi công xây dựng của nhà máy thủy điện, ngành điện đầu tư phát triển thêm lưới điện để cấp điện cho các hộ dân. Điều này cũng làm giảm một phần chi phí so với đầu tư mới toàn bộ lưới điện.
Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy điện, chủ đầu tư ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia lớp học nghiệp vụ chuyên ngành. Sau đó, nếu đủ kiến thức sẽ tham gia vận hành quản lý các nhà máy thủy điện.
Các dự án thủy điện sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, cải tạo môi trường ven hồ chứa... |