Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm hàng hóa, ổn định thị trường Tết
Mở rộng mạng lưới cung ứng, đưa hàng hóa đến vùng sâu, hải đảo
Trong những ngày này, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại của TP. Cần Thơ đang bước vào giai đoạn 2 (từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3/2024).
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết: Nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa và diễn biến thị trường trên địa bàn đã được Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Các siêu thị lớn tại TP. Cần Thơ đều cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhất là sản phẩm thiết yếu, đồng thời chuẩn bị nguồn hàng dự trữ từ 20 – 30% để đáp ứng nhu cầu mua sắm đợt cao điểm Tết Nguyên đán |
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy các doanh nghiệp tham gia chương trình đều đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra. Tại Ninh Kiều, quận trung tâm của TP. Cần Thơ, các siêu thị lớn như GO!, Co.op Mart Cần Thơ cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhất là sản phẩm thiết yếu với giá tốt nhất, đồng thời chuẩn bị nguồn hàng dự trữ từ 20–30% để đáp ứng nhu cầu mua sắm đợt cao điểm sắp tới.
Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, chương trình bình ổn thị trường của thành phố có 12 doanh nghiệp đầu mối đăng ký. Hàng hóa cung ứng được mở rộng đến hơn 100 chợ, 23 siêu thị và 140 cửa hàng tiện lợi.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, /chu-de/tinh-an-giang.topic có 24 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, những doanh nghiệp này đã phân phối hàng hóa đến 212 đại lý, cửa hàng, điểm bán bố trí rộng khắp trong tỉnh, từ khu vực đô thị đến những vùng sâu và địa bàn biên giới.
Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết: Trong số 212 cơ sở cung ứng hàng hóa, có 113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm và 99 cửa hàng bán xăng dầu. Sở Công Thương cũng đã công bố danh mục, địa điểm cụ thể của các cơ sở bán hàng bình ổn để người tiêu dùng được biết.
Tại Kiên Giang, chương trình cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường cho 7 xã đảo thuộc các huyện Kiên Lương, Kiên Hải và TP. Hà Tiên đang được triển khai từ nay đến ngày 28/1 với hơn 110 tấn hàng hóa gồm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, may mặc… tổng trị giá gần 5 tỉ đồng.
Người dân trên các xã đảo của tỉnh Kiên Giang chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2024 |
Đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia chương trình, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ hơn 400 triệu đồng chi phí vận chuyển hàng hóa đến các xã đảo. Theo ông Lâm Huỳnh Nhân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, các doanh nghiệp, đơn vị được lựa chọn đưa hàng bình ổn giá về vùng sâu, biên giới, hải đảo đều có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm. Hàng hóa được đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý.
Không thiếu hụt nguồn cung xăng dầu
Triển khai chỉ thị của Bộ Công Thương về yêu cầu thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành chức năng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ và có phương án đảm bảo không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán |
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, các thương nhân kinh doanh, doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ cung ứng hơn 49.500 m3 xăng dầu phục vụ người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Kết quả khảo sát mới đây của Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho thấy, các doanh nghiệp, nhà phân phối đều có kế hoạch dự trữ xăng dầu, đảm bảo nguồn cung luôn ổn định.
Tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu đều có cam kết với đơn vị quản lý thị trường địa phương chấp hành đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục ra thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Còn tại Vĩnh Long, để ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường Tết Nguyên đán 2024, có 7 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn, tổng lượng dự trữ xăng dầu đạt hơn 12.000 m3. Ông Trần Minh Khoa, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Vĩnh Long chia sẻ: Dự kiến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu xăng dầu phục vụ người dân tăng gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường. Vì thế, công ty đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung liên tục và duy trì mức bình quân hàng ngày khoảng 2.300 m3 tại 75 của hàng trực thuộc trên địa bàn tỉnh.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục các hoạt động theo dõi, kiểm tra tình hình cung ứng xăng dầu; chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Lê Thanh Phong, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết.