Cà Mau tập trung phát triển ngành công nghiệp
Nhiều tiềm năng phát triển
Ông Huỳnh Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau – cho biết, năm 2018, ngành công nghiệp tỉnh tăng trưởng khá, chế biến thủy sản tăng 18,61% so với cùng kỳ, sản lượng điện thương phẩm tăng 11,68% so cùng kỳ đã góp phần tăng chỉ số công nghiệp lên 11,41% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các chỉ tiêu của ngành công nghiệp đều đạt từ 50% kế hoạch và tăng so với cùng kỳ, với sự hoạt động ổn định của cụm khí - điện - đạm và lĩnh vực chế biến thủy sản góp phần chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 6,53% so cùng kỳ.
Theo ông Minh, bên cạnh ngành công nghiệp chế biến thủy sản chủ lực của tỉnh, công nghiệp năng lượng đang có nhiều bước phát triển mới. Cùng với Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1,2 - 1.500MW, tỉnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo với tiềm năng gió được quy hoạch theo Quyết định số 1402/QĐ-BCT ngày 11/4/2016 của Bộ Công Thương với công suất 3.607MW, giai đoạn đến 2020 là 350MW tại các khu vực bãi bồi ven biển từ Đông sang Tây với chiều dài 254km.
Ông Huỳnh Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau |
Hiện tại có 04 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng công suất 500MW; 01 dự án giai đoạn 2 - 50MW, dự án này UBND tỉnh đang xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư; 04 dự án đã được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 900MW; 09 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 1.250MW.
Về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời được quy hoạch theo Quyết định số 4218/QĐ-BCT ngày 24/10/2016 của Bộ Công Thương với tiềm năng 1.500MW, giai đoạn đến 2020 là 25MW đã có nhà đầu tư lập thủ tục điều chỉnh lên 50MW và đã được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch.
Ông Huỳnh Văn Minh - cho rằng với hệ thống đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau được PV GAS đưa vào vận hành từ năm 2007, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí ổn định khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, trong đó cấp khí cho 2 nhà máy điện Cà Mau 1, 2 có công suất 1.500MW để sản xuất và cung cấp nguồn điện cho lưới điện quốc gia, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn quốc và cho Nhà máy Đạm Cà Mau công suất thiết kế 800.000 tấn phân đạm/năm, chiếm 40% sản lượng đạm cả nước.
Đến cuối năm 2018 có thêm Nhà máy xử lý khí Cà Mau chính thức đi vào vận hành thương mại với sản phẩm chính là khí hoá lỏng LPG, sản lượng 200 ngàn tấn/năm góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hàng năm, nâng cao giá trị của khí tự nhiên từ cụm mỏ PM3-CAA.
Bên cạnh đó, dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy với công suất 300 ngàn tấn/năm đã khởi công xây dựng tháng 6/2018, dự kiến đi vào hoạt động thương mại cuối quý II/2019. Dự án sẽ cung cấp các sản phẩm NPK cho hệ thống phân phối tại các thị trường trọng điểm để bà con nông dân có thể trải nghiệm sản phẩm NPK chất lượng mang thương hiệu Đạm Cà Mau với giá thành cạnh tranh, tạo sự ổn định trên thị trường phân bón trong nước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, hàng năm, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 2.000 tỉ đồng, chiếm 40% - 50% ngân sách của tỉnh. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.500 lao động, trong đó lao động của ĐBSCL khoảng 690 lao động.
Cùng với điều kiện hạ tầng và nhu cầu các hộ tiêu thụ như trên, trong thời gian qua có một số nhà đầu tư đến làm việc tìm hiểu để đầu tư dự án điện khí trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Deawoo (Hàn Quốc) với Công suất 1.500MW; Công ty năng lượng Carmine và Bgrimm với Công suất dự kiến khoảng 1.500MW; Công ty Golar và Công ty B.Grimm tìm hiểu đầu tư kho nhập khẩu LNG và trung tâm tái hóa khí cũng như cung cấp cho các hộ tiêu thụ có nhu cầu trong tỉnh và khu vực.
Trong thời gian tới Cà Mau sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp |
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp Cà Mau còn gặp phải những khó khăn, hạn chế, chưa thực sự phát huy hết hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Ông Minh phân tích, theo Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh có 13 CCN, có 01 cụm công nghiệp đang hoạt động với 82 dự án đang hoạt động. Các ngành nghề ở đây chủ yếu là sản xuất, chế biến lương thực thủy sản, cơ khí phục vụ nông, ngư nghiệp, sản xuất composite, sản phẩm nhựa,…
Cụm công nghiệp này do các nhà đầu tư tự thỏa thuận, mua đất và triển khai dự án và 01 cụm công nghiệp đã thành lập. Trong những năm gần đây, Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài vào khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tỉnh đã triển khai quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp thông qua việc ban hành một số chủ trương mời gọi, thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi dành cho các nhà đầu tư như thỏa thuận thuê đất với nhiều hình thức phù hợp, hỗ trợ đầu tư một số cơ sở hạ tầng thiết yếu đến dự án.
Tuy nhiên đến nay, ngoài Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản trong tỉnh, các loại hình cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khác với quy mô nhỏ lẻ rất ít và phần lớn nằm rải rác xen kẽ trong khu dân cư. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp của tỉnh Cà Mau thời gian qua như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhất là quỹ đất sạch còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư với quy mô lớn.
Theo hiện trạng lưới điện hiện tại của tỉnh đối với cấp điện áp 220KV: có 05 tuyến đường dây đi các tỉnh lân cận (02 tuyến đi Kiên Giang, 01 tuyến đi Cần Thơ, 01 tuyến đi Sóc Trăng, 01 tuyến đi Bạc Liêu), 01 tuyến trong tỉnh và 01 trạm biến áp Cà Mau 2- (125+250) MVA giải phóng công suất cho nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1, 2.
Nếu các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí đồng loạt được triển khai với tổng công suất tăng thêm khoảng 5.850MW (điện gió 2700MW; điện mặt trời 150MW; điện khí 3.000MW) thì lưới điện hiện nay không đảm bảo cho các nhà máy giải phóng hết công suất, gây mất ổn định cho hệ thống lưới điện của tỉnh và khu vực.
Theo Sở Công Thương Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, nguồn khí cung cấp cho cụm công nghiệp nêu trên bao gồm lượng khí theo quyền nhận của Petrovietnam và lượng khí nhận bù từ Petronas. Dự kiến từ cuối tháng 9/2019, sau khi phía Việt Nam lấy hết lượng khí nhận bù từ Petronas, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau chỉ còn được cung cấp lượng khí theo quyền nhận của phía Việt Nam việc thiếu khí sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của toàn Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, không đảm bảo an ninh năng lượng, môi trường đầu tư tại tỉnh Cà Mau, làm giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh hơn 800 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư hạ tầng công nghiệp
Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế đưa ngành công nghiệp tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển, Ông Huỳnh Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đề xuất việc cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nằm trong khu dân cư khả năng ảnh hưởng môi trường rất cao, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc di dời các cơ sở này vào các khu, cụm công nghiệp, đề xuất Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định tiêu chuẩn quy chuẩn xác định lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời vào khu, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm hỗ trợ tỉnh để đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm sớm di dời, sắp xếp các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nằm rải rác trong các khu dân cư cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường để di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án năng lượng điện tái tạo nêu trên, Sở Công Thương Cà Mau đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung đường dây 500kV cho tỉnh Cà Mau vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Để đảm bảo nguồn cung khí cho hoạt động của Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau và thu hút các nhà đầu tư dự án điện khí trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Cà Mau đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét sớm đưa vào khai thác mỏ khí Lô B Ô Môn và đưa đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn về Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau.