Bóc trần màn huy động 1.021 tỉ đồng của Tập đoàn Sen Tài Thu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam (Tập đoàn Sen Tài Thu) đã huy động vốn 1.021 tỉ đồng dưới hình thức chào bán cổ phần và cam kết sẽ mua lại với lãi suất 12%/năm nhưng đến nay đã mất khả năng chi trả theo cam kết.
Một số nhà đầu tư có ký kết hợp đồng với Tập đoàn Sen Tài Thu làm việc với PV Báo Lao Động. Ảnh: PV Lao Động |
Lấy của người sau trả cho người trước
Trước tháng 4.2021, vợ chồng bà P.H.Y (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có khoản gửi tiết kiệm hơn 1,3 tỉ đồng tại ngân hàng. Sau đó, bà Y được nhân viên ngân hàng tên N.T.A tư vấn chuyển số tiền sang Tập đoàn Sen Tài Thu với mục đích "gửi tiết kiệm" để nhận lãi suất 12%/năm.
"Do tin tưởng N.T.A và Tập đoàn Sen Tài Thu vì thấy các cơ sở trị liệu, chăm sóc sức khoẻ của đơn vị này trên cả nước hoạt động rất tốt nên tôi đã chuyển 1,3 tỉ đồng vào tài khoản Tập đoàn”, bà Y. nói.
Bà Y và hợp đồng đã ký kết với Tập đoàn Sen Tài Thu. Ảnh: PV Lao Động |
Sau đó khoảng 2 tuần, nhân viên N.T.A gửi bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trị giá hơn 1,3 tỉ đồng và biên bản thoả thuận cam kết sau 1 năm, Tập đoàn Sen Tài Thu sẽ mua lại với lãi suất là 12%.
Bà P.H.Y thắc mắc "tiền gửi tiết kiệm" sao lại là hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, N.T.A giải thích "đây chỉ là vấn đề hợp thức hoá", vì đã có cam kết mua lại cổ phần với lãi suất 12%.
Đến ngày 1.4.2022, khi đáo hạn hợp đồng, phía N.T.A tiếp tục liên hệ và cho biết Tập đoàn Sen Tài Thu vẫn hoạt động rất tốt, bà Y nên tiếp tục gửi nếu chưa phải sử dụng đến số tiền. Tin lời, bà Y nộp thêm gần 20 triệu đồng, cùng với phần lãi hưởng sau 1 năm để ký một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần mới, trị giá 1,5 tỉ đồng.
Trong 4 bộ tài liệu mà bà P.H.Y cung cấp cho PV Báo Lao Động có Hợp đồng chuyển nhượng 18.750 cổ phần từ phía Tập đoàn Sen Tài Thu, tổng giá trị 1,5 tỉ đồng và Thoả thuận Tập đoàn Sen Tài Thu cam kết sẽ mua lại số cổ phần trên với giá 1,68 tỉ đồng sau 1 năm.
Cả 4 văn bản trên đều có dấu đỏ của Tập đoàn Sen Tài Thu và chữ ký của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thuỳ Linh.
Tuy nhiên, đến tháng 4.2023, khi liên hệ với Tập đoàn Sen Tài Thu để tất toán hợp đồng, bà Y nhận được phản hồi tập đoàn đang khó khăn nên phải trì hoãn việc trả tiền gốc và lãi trong vòng 1 - 2 năm.
Lo mất trắng tiền, bà Y lên trụ sở của tập đoàn để làm rõ vấn đề và gặp nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh giống mình.
Bên cạnh hợp đồng, Tập đoàn Sen Tài Thu còn ký với bà Y thoả thuận chiến lược cam kết mua lại số cổ phần sau 1 năm với lãi suất 12%. Ảnh: PV Lao Động |
Đáng chú ý theo tìm hiểu của Lao Động, thời điểm đầu tháng 4.2023, dù đã mất khả năng chi trả cho khách hàng cũ, Tập đoàn Sen Tài Thu vẫn tiếp tục huy động vốn từ người mới.
Có những trường hợp đến ngày 7.4 vẫn nộp số tiền 900 triệu đồng vào tài khoản Tập đoàn để mua cổ phần với kỳ vọng nhận lãi suất 12%/năm.
Trong biên bản làm việc ngày 20.5.2023, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sen Tài Thu thừa nhận: "Do huy động từ người sau thanh toán cho người trước. Lãi phải trả vượt lợi nhuận mà công ty đạt được".
Muôn kiểu mời chào
Phản ánh đến Lao Động, bà Đ.Q.T (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hiện có 6 hợp đồng ký với Tập đoàn Sen Tài Thu với tổng giá trị 1,5 tỉ đồng.
Cũng như bà P.H.Y, đến tháng 4.2023, khi thông báo cho phía Sen Tài Thu về việc tất toán hợp đồng, bà Đ.Q.T nhận được phản hồi của tập đoàn là mất khả năng thanh khoản, chưa thể trả tiền gốc và lãi.
Còn bà N.T.M.H (quận Ba Đình, Hà Nội) hiện đang có 4 hợp đồng với Tập đoàn Sen Tài Thu trị giá 1,9 tỉ đồng.
Bà H cho biết là khách hàng của một công ty chứng khoán ở Hà Nội và thường xuyên làm việc với một giao dịch viên của công ty này. Tháng 3.2023, bà H được giao dịch viên nói trên mời đầu tư vào Tập đoàn Sen Tài Thu với cam kết lãi suất cao hơn ngân hàng.
"Họ gửi cho tôi hình ảnh về nhiều dự án và tài sản của Tập đoàn Sen Tài Thu bao gồm cả bất động sản, đồng thời tặng tôi các voucher massage trong hệ thống của tập đoàn khiến tôi tin tưởng", bà H. nói.
Đến tháng 5.2023, bà H nhận được thông báo từ Tập đoàn Sen Tài Thu cho biết, doanh nghiệp đã mất khả năng thanh khoản.
Bà H cùng các hợp đồng đã ký với Tập đoàn Sen Tài Thu. Ảnh: PV Lao Động |
Ông V.Đ.D (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây chỉ gửi tiết kiệm ở ngân hàng nhưng thời điểm tháng 3.2021, nhân viên Tập đoàn Sen Tài Thu bất ngờ gọi điện mời đầu tư, lãi suất cao hơn ngân hàng.
Hiện, ông D đã ký 4 hợp đồng với giá trị 1,83 tỉ đồng. "Sau những vụ lùm xùm của những tập đoàn lớn, tôi có gọi điện đến Tập đoàn Sen Tài Thu thì được khẳng định, tài chính doanh nghiệp đang rất ổn định, vì chỉ đầu tư vào cơ sở chăm sóc sức khỏe", ông D nói.
Đến tháng 3.2023, ông D nhận được thông báo Tập đoàn đang gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán tiền gốc và lãi như cam kết ban đầu.
Theo tài liệu mà Báo Lao Động có được, trong một buổi làm việc với khách hàng, ông Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sen Tài Thu - cho biết, ngoài lãi suất trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp còn phải chi phần trăm hoa hồng rất lớn cho đội ngũ nhân viên sale.
Điều đáng nói, khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Tập đoàn Sen Tài Thu, người dân còn ký thêm giấy uỷ quyền cho doanh nghiệp này thực hiện thay quyền và nghĩa vụ của cổ đông.
Lợi nhuận không đủ khả năng chi trả
Trong một thông báo gần nhất đến các khách hàng vào đầu tháng 8.2023, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sen Tài Thu cho biết, sau khi rà soát, tổng khoản nợ là 1.021 tỉ đồng từ 463 khách hàng.
Khoản lãi doanh nghiệp cần phải thanh toán hàng tháng là 18 - 20 tỉ đồng. Lợi nhuận từ các chi nhánh không đủ khả năng chi trả cho khách hàng.