Thứ năm 15/05/2025 02:32

Bộ Y tế sẽ xử phạt cơ sở bán thuốc Tamiflu không có đơn

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đúng chỉ định.

Siết quản lý thuốc cúm Tamiflu

Ngày 12/2, ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh thành phố số ca cúm mùa, đặc biệt là cúm A có xu hướng gia tăng.

Để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốcTamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, trong đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công văn số 3847/QLD-KDngày 02/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 7/2/2025 của Cục Quản lý Dược về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.

Bộ Y tế sẽ xử phạt nhà thuốc bán thuốc Tamiflu không có đơn của bác sĩ

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược, cũng yêu cầu các Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết,…), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Trước thực trạng nhiều người có tâm lý mua thuốc Tamiflu tích trữ, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm A hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000. Sắp tới công ty có kế hoạch nhập khẩu thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên.

"Oseltamivir là thuốc kê đơn. Theo quy định tại khoản 28 Điều 2 Luật Dược, thuốc kê đơn khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe", đại diện Cục Quản lý Dược nhấn mạnh.

Cục Quản lý dược cảnh báo, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán thuốc nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 điều 15 Nghị định 87/2024 của Chính phủ, với số tiền phạt từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định tại khoản 4 điều 3 Nghị định này.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Thuốc Tamiflu không phải "thần dược" trị cúm

Ở góc độ điều trị, trao đổi với Báo Công Thương, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thuốc tamiflu chỉ được sử dụng cho những trường hợp bệnh nặng, người có bệnh lý nền. Đây là loại thuốc cần được sử dụng theo chỉ định của các bác sĩ, người dân không nên tự ý dùng, sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm.

Thông thường cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Riêng đối tượng dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch… thì cần được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc để điều trị kịp thời.

"Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Lạm dụng thuốc Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh và khuyến cáo thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là "thần dược" trị cúm.

Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.

Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).

Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Thảo Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Cục Quản lý Dược

Tin cùng chuyên mục

Quân chủng Hải quân kiểm tra công tác huấn luyện tại Vùng 5 Hải quân

Đại tá Lương Đình Chung giữ chức Chính ủy Quân khu 5

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đủ điều kiện thực hiện ghép thận

Đề nghị bổ sung danh mục tuyến xe buýt liên tỉnh Lào Cai - Yên Bái

EVNCPC: Gần 100 tỷ đồng cho các phong trào thi đua

Thành phố Huế: Khuyến cáo người chơi chim cảnh cần có giấy tờ hợp pháp

Thông tin mới nhất về ca mắc Covid-19 tại Việt Nam

Nghiên cứu sắp xếp lại tổ dân phố trước ngày 31/5

Đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung: Biểu tượng lịch sử của người dân Sóc Trăng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia số hóa thủ tục hành chính

VinSpeed chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Hà Nội: Tỷ lệ ‘chọi’ cao, làm sao có tấm vé vào lớp 10 công lập?

Chính sách mới với thân nhân của sĩ quan tại ngũ hy sinh

'Viết tiếp bản hùng ca' bằng sắc màu văn hóa và ý chí thể thao

Bệ phóng cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phát triển kinh doanh

Thời tiết hôm nay 14/5: Hà Nội chiều tối có mưa dông

Thời tiết biển hôm nay 14/5/2025: Mưa rào và dông vài nơi

Hàng cận date: Đừng ham rẻ để rồi hại sức khỏe

PC Lai Châu trao 300 triệu đồng hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm

Học viện Hải quân học Bác qua Chỉ thị 05