Thứ hai 25/11/2024 09:16

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên họp về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023 và sửa đổi nghị định 83, 95

Ngày 21/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu và sửa đổi nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu.

Đây là cuộc họp thứ 2 của Bộ Công Thươngngay sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ gồm: Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ Dầu khí và than, Vụ Khoa học và công nghệ. Cuộc họp còn có đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Hai kịch bản phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Nhà nước cần sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời và sát hơn với thị trường.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể với các bộ, ngành chức năng, trong đó đơn vị thực hiện cần rà soát đánh giá nguyên nhân chủ quan để đảm bảo từ nay không xảy ra cú sốc xăng dầu như thời gian qua. Vì vậy, cuộc họp hôm nay với các đơn vị đầu mối rất quan trọng nhằm đưa ra kịch bản về nguồn cung xăng dầu năm 2023, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, cũng như góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83.

Về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3-1,4 GDP. Điều này cho thấy, con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống. Phương án này phải cao hơn phương án 1, tăng 15% so với số thực hiện của năm 2022.

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng đồng tình với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 tăng thêm so với số đăng ký của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2023. Phần tổng nguồn xăng dầu tối thiểu tăng thêm dự kiến phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dựa trên tỷ trọng số lượng đăng ký tổng nguồn của từng thương nhân so với tổng cộng tổng nguồn của toàn bộ các thương nhân, theo từng chủng loại xăng dầu.

Nêu quan điểm về thực hiện tổng nguồn phân giao, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bổ sung, nên có sự phân giao theo quý, tháng để kiểm soát việc tổ chức, tiến độ thực hiện. Theo đó, các thương nhân đầu mối phải bình đẳng, đã là thương nhân đầu mối trách nhiệm như nhau.

“Các phương án liên quan đến tỉ lệ tăng trưởng so với 2022, theo gợi ý của Bộ trưởng đảm bảo sự an toàn trong việc điều hành, Petrolimex thống nhất với phương án 10% và 15%. Tuy nhiên lưu ý khi sử dụng phương án cao nên cân nhắc cách sử dụng từ ngữ”- ông Trần Ngọc Năm chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Đăng Trình – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho rằng, nên xem xét tổng nguồn năm 2023 tăng trưởng phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và khả năng cung ứng thị trường.

Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, trước đây, việc phân giao được thực hiện cho cả năm và Bộ vẫn thường xuyên rà soát theo tháng, quý, 6 tháng, thậm chí rà soát từng thời điểm nếu xảy ra biến cố bất thường. Năm 2022 vẫn rà soát như vậy. Từng thời điểm có thể rà soát lại, nếu cần thiết phải tăng nguồn phân giao thì tăng hoặc có thể điều chỉnh giảm. Song nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là nguồn cung được đảm bảo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ, hàng năm, hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đều có thời gian bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng. Khi bắt buộc phải dừng thì phải lấy từ nguồn nào? Đối với tổng nguồn đăng ký của doanh nghiệp, đơn vị cũng phải làm rõ để đảm bảo tổng nguồn cụ thể trong nước và nhập khẩu.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối nên có phối hợp hợp tác với nhau để đảm bảo nguồn cung. Việc phân giao là bước đầu, năm 2023, Bộ Công Thương thực hiện phân giao theo quý, tháng chứ Bộ Công Thương không cứng nhắc. Nếu đảm bảo đủ nguồn cung thì không bắt phải nhập” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Kế hoạch phân giao sản lượng cả năm cho các doanh nghiệp được phân bổ chi tiết tới từng tháng, quý là cơ sở cho việc bảo đảm nguồn cung và công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Trong kế hoạch phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Trong mọi tình huống phải có nguồn cung ra thị trường.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 ngàn m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 ngàn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

“Trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị và cho rằng, việc phân giao này phải căn cứ kế hoạch sản xuất của nhà máy trong nước, nhất là kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính. Ngày 20 hàng tháng, Bộ Tài chính sẽ rà soát các chi phí này. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối. Trách nhiệm và nghĩa vụ của đầu mối thương nhân ngày càng phải cao hơn.

“Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, sẽ thống nhất quản lý hệ thống kinh doanh xăng đầu đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối bằng công nghệ số, do Bộ Công Thương chủ trì. Dự kiến tháng 12 sẽ có buổi tập huấn thống nhất việc ứng dụng phần mềm quản lý xăng dầu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83

Bên cạnh việc phân giao tổng nguồn, vấn đề sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 cũng được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp. Bộ Công Thương đã ghi nhận ý kiến của Hiệp hội và các doanh nghiệp đầu mối về những nội dung cần sửa đổi của hai văn bản này.

Tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và trong tiếp xúc cử tri khu vực phía Nam yêu cầu hoàn thiện sớm, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá và sẽ trình Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, rất cần sự khẩn trương và quyết liệt của các đơn vị có liên quan.

“Ngay trong chiều ngày 21/11, Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

PV
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử