Điều hành linh hoạt, đà tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn thế giới Hãm đà tăng giá xăng dầu: Trông vào “van” thuế? |
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, rất đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của người dân do việc xăng dầu tăng giá hiện nay song cũng phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tăng giá xăng dầu, vật tư chiến lược làm tăng chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng, thậm chí có thể làm đổ vỡ chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Nói như vậy cũng không sai nhưng nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây ảnh hưởng tới nền kinh tế đất nước khi ta sản xuất ra bán cho người tiêu dùng cả thế giới, giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đồng thời đề xuất các chính sách cụ thể về mức thuế, phí, dự trữ. |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu mình ép giá đầu vào quá thấp có thể ảnh hưởng đến góc độ phòng vệ thương mại khi một số thị trường có chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp…Mặt khác, khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới sẽ xảy ra buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Do đó chúng ta phải cân nhắc và tính toán rất kỹ. Vì vậy, một mặt ta vẫn phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, phí, quỹ bình ổn, kiểm tra, kiểm soát thị trường để giảm giá xăng dầu.
Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, chúng ta cần dùng chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, như vậy mới được cả trong lẫn ngoài.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong các lần điều chỉnh tăng giá gần đây, giá xăng dầu trong nước luôn có mức điều chỉnh tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới.
Tính chung, giá xăng dầu trong nước thời gian qua chỉ tăng trong khoảng 27,29-47,89% trong khi thế giới tăng từ 45,86-63,68%.
Biên độ tăng giá trên đã góp phần thiết thực hạ nhiệt, giảm sốc những tác động tiêu cực của giá xăng dầu tới sản xuất kinh doanh và dịch vụ, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Để điều hành hiệu quả thị trường xăng dầu trong nước, đặc biệt là cố gắng neo giữ mức giá bán xăng dầu không tăng quá cao, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo nguồn cung, giữ ổn định thị trường, đồng thời đề xuất các chính sách cụ thể về mức thuế, phí, dự trữ.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Trong đó, tập trung ngăn chặn tình trạng gian lận, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu như bán nhỏ giọt, cầm chừng để đợi giá lên cao của một số cây xăng; đóng cửa cây xăng vô cớ; lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước láng giềng để xuất lậu xăng dầu…
Mới đây nhất, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc cân đối, điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn nhiều biến động khó lường, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo tiêu chuẩn của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đáp ứng nhu cầu ứng cứu trong mọi tình huống, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết phải nâng năng lực dự trữ quốc gia ở mức cao hơn trong thời gian tới.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để nâng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia, bởi mức dự trữ hiện không lớn, chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Theo Bộ trưởng, cần tăng thêm ít nhất hàng chục lần so với hiện nay. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu để nâng mức dự trữ lên ít nhất 1,2 tháng. Thay vì dự trữ tiền, thì dự trữ hàng”- Bộ trưởng nói.
Thực hiện Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thống nhất trình Chính phủ phương án nâng mức dự trữ quốc gia từ mức dự trữ hiện nay lên mức dự trữ từ 1- 2 tháng tại Văn bản số 158/BCT-KH ngày 31/03/2022.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến thống nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về phương án cụ thể để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.