Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại phiên chất vấn sáng nay (17/11) |
Áp lực nợ công tăng cao
Trả lời về vấn đề nợ công, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, yêu cầu mục tiêu của quản lý chiến lược nợ công, giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, nợ công không quá 65% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài không quá 50%. Nhìn lại 5 năm cho thấy, nợ công vẫn trong vòng kiểm soát, cụ thể: năm 2011: 50%; 2012: 50,8%; 2013: 54,5%; 2014: 59,6%; 2015: 61,3%.
Đối chiếu lại với chỉ tiêu an toàn nợ công theo 6 tiêu chí đề ra thì có 5/6 tiêu chí đã đạt được: Nợ công/GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nợ nước ngoài và nợ quốc gia so với GDP; nghĩa vụ nợ Chính phủ trực tiếp so với thu ngân sách nhà nước; trái phiếu Chính phủ trong nước theo đầu tư cả nhiệm kỳ. Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi, vượt mục tiêu đặt ra là 5%.
Lý giải nguyên nhân nợ công tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra một số nguyên nhân: Thứ nhất, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7% ( trên thực tế cả giai đoạn thực hiện 5,8%), trong khi chúng ta không điều chỉnh các chỉ tiêu khác dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách.
Thứ hai, giá dầu thô trên thế giới biến động mạnh theo chiều hướng giảm, chúng ta thực hiện miễn giảm, giãn thu trong sản xuất kinh doanh để nuôi các nguồn thu, cắt giảm thuế quan theo lộ trình quốc tế… cũng làm giảm thu ngân sách. Mặc dù, chúng ta điều chỉnh thuế nhưng tốc độ tăng thu, quy mô tăng thu ngân sách giai đoạn 2011 – 2015 vẫn tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006 – 2010, điều này chứng tỏ các quyết sách của Chính phủ, Quốc hội trong thời gian vừa qua đang đi đúng hướng. “Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh, chúng ta vẫn đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và tiền lương theo điều chỉnh và phát sinh tăng chi cho quốc phòng và an ninh. Việc tăng chi cho an sinh xã hội tăng trên 18%/ năm trong khi thu ngân sách tăng 9,5% dẫn dến bội chi và áp lực nợ công tăng cao” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.
Ngoài ra, biến động tỷ giá và kế hoạch bổ sung phát hành trái phiếu chính phủ thêm 170.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cũng gây áp lực lớn nợ công. Hiện nay, nợ công đã từng bước được cơ cấu lại, khi khoản vay trong nước từ 39% trong tổng số nợ công 2011 tăng lên 57,1% trong 2015, vay nước ngoài giảm đi. “Có những thời điểm khó khăn trong huy động vốn để bù đắp bội chi và trái phiếu chính phủ. Giai đoạn 2011 – 2013 vay 64.000 tỷ, lãi suất bình quân 10,5%/năm, có món cao 13,2%, món thấp 8,4%, nên phải nhanh chóng tái cơ cấu khoản nợ này, phải có giải pháp mềm dẻo để đảm bảo an toàn nợ công, như phát hành trái phiếu quốc tế” – Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Thực hiện giải pháp giảm nợ công, Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho biết: Bộ đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 02 về Tăng cường quản lý nợ công với các nội dung chủ yếu như sau: Tổng kết đánh giá lại chiến lược nợ công đến 2020 tầm nhìn 2030 cũng như đánh giá lại Luật nợ công, nếu cần thiết sửa lại trong thời gian tới; quản lý chặt chẽ nợ công nhất là các khoản vay mới, kiên quyết nợ công chỉ sử dụng cho phát triển xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đảm bảo việc xây dựng các công trình theo đúng quy định; khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng vay trong nước. Đẩy mạnh quản lý và xử lý rủi ro trong nợ công, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy thị trường trái phiếu chính phủ; quản lý chặt chẽ các khoản vay có sự quản lý của Chính phủ theo hướng siết chặt các khoản vay có bảo lãnh; đối với vay và cho vay lại tăng dần tỷ lệ cho vay lại giảm dần tỷ lệ cấp phát; rà soát lại các thể chế, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý nợ công, thu hồi vốn, trả nợ và giám sát thực hiện; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Đây là khâu quan trọng được Quốc hội rất quan tâm.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu trung hạn và kế hoạch vay trả nợ, trên tinh thần dự báo chỉ tiêu kinh tế xã hội tăng trưởng 6,5%, lạm phát không quá 5%, bội chi không quá 5% và trái phiếu Chính phủ là 280.000 và giải ngân ODA 250.000 tỷ. Nợ công năm 2020 chỉ còn 58%, đỉnh nợ năm 2017 là 63%.
Phân loại DN cần thoái vốn nhà nước
Trả lời về mục tiêu CPH theo kế hoạch, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2013, Bộ Tài chính đã tiến hành CPH được 106 DN; năm 2014 CPH được 143DN; đến 10/2015 cổ phần hóa được 159 DN. Như vậy thực hiện được 408/538 DN đạt 76% kế hoạch của cả giai đoạn. Dự kiến hết năm 2015 sẽ thực hiện CPH tổng số 210 DN. Theo đó, số DN CPH của cả giai đoạn lên 459 DN đạt 90% kế hoạch của cả giai đoạn 2011 – 2015.
Đối với giá trị CPH, đã bán phần vốn nhà nước giai đoạn 2011 – 2015: 27.000 tỷ (2,1% vốn nhà nước tại DN), thu về 35.169 tỷ, tăng lên 8.169 tỷ. Như vậy vẫn còn rất nhiều vốn tại DN. “Vấn đề thực hiện theo kế hoạch là cần thiết nhưng phải theo trật tự, nếu làm không cẩn thận gây thiệt hại cho nhà nước.” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh, tái cơ cấu và CPH DN nhà nước, Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến CPH. Rà soát lại để phân loại DN theo quyết định 37 của Thủ tướng, thống nhất cao việc DN nào nhà nước cần nắm giữ phần vốn và DN nào nhà nước không cần năm giữ và nắm giữ bao nhiêu, tùy vào tình hình thị trường để thoái dần. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành cơ quan, các tổng công ty, các địa phương theo Quyết định 99; tăng cường kiểm tra giám sát CPH và thoái vốn đảm bảo tiến độ và hiệu quả; thực hiện đồng bộ tái cơ cấu lại thị trường tài chính góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, trong đó có tái cơ cấu DN nhà nước, đặc biệt là CPH DN nhà nước.