Thứ ba 22/04/2025 12:26

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 'Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này'

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20/11 năm nay có một điều rất đặc biệt, niềm hạnh phúc của các nhà giáo đó là Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ hôm nay là một ngày rất đặc biệt - ngày 20/11 là ngày lễ, ngày Tết của các nhà giáo, các thầy, các cô. Đó là một ngày hạnh phúc của hơn một triệu người đang làm việc và với sự lan tỏa thì hạnh phúc đó còn lan tỏa cả cho những người khác trong toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

"Ngày 20/11 năm nay có một điều rất đặc biệt, niềm hạnh phúc của các nhà giáo lại được nhân lên bởi cũng đúng vào thời điểm này, Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo. Chưa nói đến nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ đồng ý xây dựng và trình Quốc hội về Luật Nhà giáo đã là một sự ghi nhận, động viên rất to lớn đối với nhà giáo" - Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp chọn ngày hôm nay để thảo luận về Luật Nhà giáo. Đây là một sự quan tâm rất lớn của Chủ tịch Quốc hội, của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dành cho nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã gửi lời chúc mừng ở đầu phiên họp, thực sự chúng tôi rất cảm động. "Nhiều người hạnh phúc nhưng có lẽ tôi hôm nay là một người hạnh phúc nhất trên thế gian này" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Qua 37 ý kiến, trong đó có 2 ý kiến tranh luận, còn lại các ý kiến phát biểu, chúng tôi cảm nhận thấy tất cả đều đồng tình, nhất trí, thống nhất hoặc thống nhất cao, ủng hộ rất cao với các ngôn từ khác nhau để diễn tả sự ủng hộ đối với luật này. Chúng tôi thấy đây là một sự ghi nhận và đánh giá không chỉ là thái độ ủng hộ mà còn với một tinh thần trách nhiệm xây dựng, trách nhiệm đối với ngành giáo dục cũng như với đất nước.

Khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ từng ý kiến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều các quy định liên quan đến hoạt động chuyên môn từ dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, cũng như rất nhiều các quy định khác, cho nên một luật này không thể bao quát hết được.

Tuy nhiên, với luật này chúng ta phải chấp nhận việc có một vài điểm quy định sẽ khác với các luật khác. Nếu các quy định tại các luật khác không thuận cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, chẳng hạn quy định về độ tuổi nghỉ hưu là một điểm sẽ khác với Luật Lao động hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển cũng là một giáo viên, viên chức làm việc cho hơn một cơ sở là điểm khác với Luật Viên chức.

Do đó, có một số điểm quy định các đại biểu phát hiện có điểm khác nhưng nếu xét thấy điểm khác đó phục vụ cho mục tiêu để phát triển đội ngũ nhà giáo, đem lại một điều tốt lành thì chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận một số điểm khác biệt.

Trước một số ý kiến nêu về vấn đề để đảm bảo lương nhà giáo được xếp cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi xây dựng các văn bản luật cũng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng tôi cũng phải nhìn cùng các ngành khác chứ cũng không muốn ngành của mình có những đặc quyền, đặc lợi hay một điều gì đó ưu ái, bất thường.

Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình những người khác nghèo hơn mình, nhà giáo không chấp nhận điều đó đâu. "Chỉ vì một điều là còn một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống, chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học được" - Bộ trưởng chỉ ra.

Đối với một đất nước vừa mới thoát nghèo, chưa phải là một nước giàu mà khi cần phải ưu tiên chắc chắn không thể dàn hàng ngang ưu tiên cho tất cả mọi điều được. Cho nên, khi xét một đột phá chiến lược là một quốc sách hàng đầu dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên.

Luật chỉ quy định một vài nguyên tắc, còn cụ thể, lương như thế nào để bảo đảm mức sống tối thiểu cho nhà giáo thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể, như nguyên tắc làm luật chúng ta đang đề cập.

Đối với việc dạy thêm của nhà giáo có nhiều ý kiến. "Chúng tôi đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn" - Bộ trưởng nêu rõ.

"Chúng tôi đã nghiên cứu đầy đủ 90 ý kiến thảo luận ở tổ cũng như 37 ý kiến ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu tối đa. Có một số đại biểu nêu vì vấn đề khó khăn nên mới phải làm luật này", Bộ trưởng nói đồng thời nhấn mạnh, khó khăn của nhà giáo chỉ là một phần, để phát triển lực lượng nhà giáo mới là lý do chính yếu để làm luật.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Thủ tướng 'tuýt còi' doanh nghiệp chậm báo cáo, sử dụng sai vốn nhà nước

Kỳ vọng hợp tác kinh tế Việt - Trung tiếp tục phát triển

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu

Phú Thọ: Hợp nhất 3 tỉnh, tinh giản gần 70% xã, phường

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để sáp nhập gây gián đoạn hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với các doanh nghiệp TP. Cần Thơ

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng 15.000 USD trong 20 năm tới

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới có bao nhiêu cán bộ dôi dư?

Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh thành phải là 'hai cộng hai lớn hơn bốn'

Trung tướng Lê Hồng Nam và đoàn công tác tri ân các tấm gương tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư gặp mặt tri ân cán bộ lão thành cách mạng, gia đình có công miền Nam

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương chi trả lương hưu tháng 5/2025

Thủ tướng: Chậm nhất 19/12 phải khánh thành dự án Cần Thơ - Cà Mau

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 5 - Cần một cuộc cách mạng quản lý

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo

Nhân sự cấp tỉnh, xã khi sáp nhập sẽ được chỉ định, bổ nhiệm

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Sau 30/6 chính quyền cấp xã đi vào vận hành

Thủ tướng: Các công trình biểu tượng sẽ định vị hình ảnh, thương hiệu Việt Nam

Thủ tướng đề nghị nhân rộng việc đi máy bay không cần mang giấy tờ