Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh có ý nghĩa gì?
Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm có 2 phần. Phần 1 là các điều kiện bắt buộc, theo đó, doanh nghiệp phải vượt qua các điều kiện này mới được xét tiếp ở vòng sau, gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật. Phần hai là các tiêu chí đánh giá gồm 5 nhóm tiêu chí: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội. Trong mỗi nhóm tiêu chí có các tiêu chí cụ thể và các chỉ số đánh giá, đo lường kèm theo. Tổng cộng có 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường.
Ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - cho biết, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các Bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các Bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã trình Thủ tướng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.
Thương hiệu doanh nghiệp là kết tinh của chất lượng sản phẩm và văn hóa doanh nghiệp. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho hay, một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản quốc gia. Quốc gia có nhiều thương hiệu uy tín thì thương hiệu quốc gia cũng được nâng tầm uy tín. Thực tế cho thấy, có sự tương tác mạnh mẽ giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh, tạo nên những thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế.
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, là đầu mối vận hành Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương đã có nhiều trao đổi, hợp tác với Hiệp hội trong quá trình xây dựng Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và nhận thấy, đây là bộ tiêu chí không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng với Chương trình Thương hiệu quốc gia. Chúng tôi đánh giá cao bộ tiêu chí này và sẽ xem xét làm nền tảng để đánh giá thương hiệu quốc gia.
Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam cũng đã giới thiệu Quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Theo đó, quy chế gồm có 6 chương và 14 điều. Nội dung 6 chương tập trung vào các vấn đề chính: Những quy định chung; các tiêu chuẩn bắt buộc và cụ thể dựa trên Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; điểm chuẩn để được công nhận; hình thức, thời gian tôn vinh và cơ quan công nhận; trình tự đăng ký, xét duyệt và công nhận, yêu cầu về hồ sơ đăng ký tham gia; quyền lợi và quy định xử lý vi phạm; các điều khoản thi hành.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã giới thiệu Đề án Tổ chức diễn đàn thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức hàng năm, mỗi năm có một chủ đề riêng gắn với bối cảnh và yêu cầu của năm. Mục đích nhằm tạo một diễn đàn quốc gia để lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về văn hoá và văn hoá kinh doanh, góp phần khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hoá kinh doanh trong phát triển bền vững kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.
Đại diện Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - nhấn mạnh, những hoạt động trên của Hiệp hội nhằm từng bước triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.