Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý triệt để “rác” viễn thông
Đây là thông tin tại Hội nghị giao ban công tác quản lý Nhà nước quý I/2023 với các hiệp hội, cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 7/4.
Sẽ triển khai đợt thanh tra diện rộng
Thông tin về tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông quý I/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về lĩnh vực viễn thông, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 75,36% (tăng 1,4% so với Quý IV/2022). Mục tiêu năm 2023 đạt 84% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang.
Hội nghị giao ban công tác quản lý Nhà nước quý I/2023 với các hiệp hội, cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông |
Số thuê bao băng rộng cố định đạt 21,77 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 21,9 thuê bao/100 dân) tăng 1,9% so với Quý IV/2022. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 25 thuê bao/100 dân.
Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,36 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 84,8 thuê bao/100 dân), tăng 1% so với Quý IV/2022. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 90 thuê bao/100 dân.
Đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp viễn thông đã xác định cần chuẩn hóa, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) chưa thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều theo quy định.
“Để xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ sẽ triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/6/2023” - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Bên cạnh đó, trong tháng 3/2023, đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo,.. với mục đích lừa đảo người dân tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.
Nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023 trong lĩnh vực viễn thông, đó là tập trung xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi; triển khai kế hoạch, giải pháp, chỉ đạo, điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông. Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai phủ sóng di động tại các thôn/bản lõm sóng nằm trong Chương trình VTCI giai đoạn đến 2025.
Ngoài ra, tổ chức sự kiện VNNIC Internet Conference 2023, Chủ đề quản trị Internet trong kỷ nguyên thông minh, nhằm phát triển cộng đồng chuyên gia Internet trong nước, phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.
Cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.446 cuộc tấn công mạng
Về lĩnh vực Bưu chính, trong Quý I/2023, sản lượng bưu gửi ước đạt trên 509 triệu bưu gửi (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 4% so Quý IV/2022), doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 13.200 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 10% so với Quý IV/2022).
Lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ số, ước tính đến hết tháng 3/2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 03 tháng đầu năm 2023 ước đạt 32,8 tỷ USD giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với Quý IV/2022. Tỷ trọng Kinh tế số trong GDP Quý I/2023 là 14,62%; 63/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ Công nghệ số Cộng đồng với 71.836 tổ, tăng 4% so với tháng trước (69.345), 334.896 thành viên, tăng 3% so với tháng trước.
Về lĩnh vực Chính phủ số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính từ 21/2/2023-20/3/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ: 50,61%, tăng 2,84% so với tháng trước (47,77%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đủ điều kiện: 77,08% tăng 2,36% so với tháng trước (74,72%).
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 54,80%, tăng 6,06% so với tháng trước (48,74%). Tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong quý I/2023 là 163,392,646 giao dịch. Tổng số giao dịch trong tháng 3 năm 2023 là 40.513.165 giao dịch.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, trong Quý I/2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.446 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (2.531 cuộc Phishing, 443 cuộc Deface, 472 cuộc Malware), giảm 11% so với Quý I/2022 (3.678 cuộc).
Số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet tháng 3/2023: 392.108 địa chỉ (giảm 50,3% cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,5% so với tháng 02/2023. "Số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet và các cuộc tấn công mạng đã giảm nhờ chiến dịch càn quét mã độc và việc cung cấp thông tin cảnh báo kịp thời tới các cơ quan, tổ chức và người dùng mạng Internet" - Bộ Thông tin và Truyền thông nêu.