Bổ sung chế độ thai sản, tăng sức hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, năm 2016, cả nước có 203.871 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến năm 2022 tăng lên 1.462.083 người. Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành đánh giá BHXH tự nguyện chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như chính sách BHXH bắt buộc. Vì thế số người tham gia vẫn ở mức thấp.
Ngoài ra, dù chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế hướng tới việc gia tăng số người nghỉ hưu, nhưng thời gian qua số người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là khá cao. Cụ thể, năm 2021 có 5.249 người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần thì đến năm 2021 tăng lên 12.365 người hưởng BHXH một lần.
Nguyên nhân, chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Trong khi Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động phản ánh việc quy định phải đóng đủ BHXH từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài, khiến nhiều người không đủ động lực để tham gia BHXH tự nguyện.
Tăng mức hỗ trợ chế độ thai sản kỳ vọng sẽ tạo sức hút cho chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH là: BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác, dự thảo Luật BHXH quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con (bằng mức mà ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số).
Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách (đặc biệt đối với lao động trẻ), gia tăng quyền lợi cho người tham gia trong khi người tham gia sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Nếu đề xuất bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/con mới sinh, do ngân sách nhà nước đảm bảo được thông qua thì dự kiến, năm 2025 sẽ có gần 81.000 trẻ em mới sinh được hưởng chính sách này, tới năm 2030 khoảng 138.000 em. Dự chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho chế độ này khoảng 162 tỷ đồng; cả giai đoạn 2025 - 2030 hơn 1.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện lao động đóng BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, mà không được hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp như những người tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH tự nguyện không thấy các quyền lợi trước mắt, do đó chính sách BHXH hiện hành còn kém hấp dẫn.
Vì vậy, dự thảo Luật BHXH bổ sung quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản và không phải đóng thêm tiền vào quỹ. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.
Theo quy định tại khoản 4 điều 31 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp thai sản là người lao động tham gia BHXH tự nguyện có đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Điều kiện hưởng chế độ là người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây là lao động nữ sinh con; lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con. Ngoài ra, lao động nêu trên phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo quy định. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu rõ, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định nêu trên. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện trong thụ hưởng BHXH của lao động nữ. Tuy nhiên, cho ý kiến về đề xuất của dự thảo Luật BHXH, đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, quy định như Dự thảo Luật sẽ tăng tính hấp dẫn, khuyến khích được người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Song theo đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng, mức hỗ trợ 2 triệu đồng nên thay băng tỷ lệ % theo mức thu nhập bình quân tối thiểu của từng vùng hoặc bình quân của 4 vùng cộng lại, giá trị tiền thay đổi hằng năm vì thế không nên quy định cụ thể. Ngoài ra, nếu cả vợ hoặc chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện thì khi sinh con cả hai sẽ cùng được hưởng chế độ này, sẽ tăng mức hấp dẫn của chính sách hơn.
Chính sách BHXH tự nguyện thực hiện từ năm 2008, nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Đến nay hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng, phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố… đang tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH tự nguyện. |