Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ: Phối hợp đồng bộ, quyết liệt chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 17/12, hai bên đều thống nhất việc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp xử lý hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, quan hệ hợp tác giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương, trong đó có Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng như rất nhiều đơn vị khác đã chặt chẽ, chủ động và tích cực trong thời gian vừa qua.
“Chính những lực lượng này là lực lượng chủ công trong công việc triển khai chấp hành pháp luật liên quan đến các vấn đề lớn trong quản lý nhà nước về đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ… nhằm đảm bảo điều kiện phát triển bền vững thị trường và các ngành sản xuất” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu bức thiết đặt ra trong thời gian tới đây là cần tạo chuyển biến, đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả hơn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và thực hiện pháp luật liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu |
Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch hành động để thực hiện Quyết định 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch Đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020, với mục tiêu đến hết 2020 phải tạo được chuyển biến trong công tác này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trách nhiệm của hai bộ phải đồng hành, đi cùng nhau, từ tuyên truyền tạo nhận thức chung của xã hội về pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như nâng cao ý thức của từng chủ thể trong xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân… đến công tác hướng dẫn, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu thành lập các tổ chức giám định, nâng cao năng lực thực thi về sở hữu trí tuệ…
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường bày tỏ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, góp phần thực thi cam kết hội nhập và đáp ứng mức độ đòi hỏi về sở hữu trí tuệ ngày càng cao. Trong chiến lược có một định hướng rất quan trọng, đề xuất chế tài xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đủ sức răn đe, chú trọng chống hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ.
Thực tế, thời gian qua, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, hàng giả không chỉ ở bao bì, nhãn hiệu, mà còn nằm ở đo lường, chất lượng, nhất là giả về xuất xứ hàng hóa là vấn đề nổi cộm. Chính vì thế, Bộ Công Thương đã xác định năm 2020 tập trung vào việc xử lý hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có xuất xứ hàng hóa. Trong kế hoạch trọng điểm 2020, cụ thể đến từng tỉnh, thành phố nổi cộm về hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ…
Ông Trần Hữu Linh cho rằng, trong thời gian qua, mặc dù, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp rất tốt với Cục Sở hữu trí tuệ, khi có vụ việc về hàng giả, đều gửi văn bản tham vấn, đây là căn cứ để lực lượng quản lý thị trường xử phạt. Tuy nhiên, về lâu dài, cần nâng cao chế tài xử phạt các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái và có thể xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm.
Bên cạnh đó, hiện nay, ở Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ duy nhất có Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thực hiện việc giám định sở hữu công nghiệp, nhưng hiện nay do số lượng vi phạm nhiều nên việc giám định đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian… Vì vậy, đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thành lập thêm các tổ chức giám định để hỗ trợ cho công tác giám định cho quản lý thị trường; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu |
Từ góc độ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, năm 2017, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa hai Bộ. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn sát cánh với Bộ Công Thương nói chung, lực lượng quản lý thị trường nói riêng trong việc hỗ trợ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng quản lý thị trường. Bên cạnh đó, chủ động trao đổi thông tin chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vị phạm.
Chia sẻ về yêu cầu công tác phối hợp trong bối cảnh mới, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, trong thời gian qua, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm trên Internet về sở hữu trí tuệ. Để giải quyết bài toán này, cần vai trò phối hợp của Bộ Công Thương, bằng việc thể chế hóa thành những văn bản pháp luật cụ thể và đây cũng là vấn đề trong CPTPP hay EVFTA đòi hỏi… Bên cạnh đó, cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức bởi hiện nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ còn thấp.