Bộ Công Thương: Tích cực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Một trong những hoạt động về môi trường do Bộ Công Thương chủ trì.
Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thuộc ngành đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững đất nước. Vì thế, ngay từ khi Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, ngành Công Thương đã có nhiều hoạt động hưởng ứng tích cực, bằng việc xây dựng, phổ biến, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật…, đến công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường, quản lý an toàn đập thủy điện, vật liệu nổ công nghiệp, công tác kiểm định, công tác dịch vụ kỹ thuật an toàn, môi trường, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn… Qua đó, nâng cao nhận thức hơn nữa cho các đơn vị trong việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn và thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, tính riêng trong giai đoạn từ năm 2011 - 2014, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại hơn 100 doanh nghiệp trong ngành Công Thương thuộc lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ, Bộ còn tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo phản ánh của địa phương và các tổ chức, cá nhân. Kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng có nhiều cố gắng trong công tác quản lý môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm.
Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai thực hiện hiệu quả: Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014…; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và vận động tăng cường các hoạt động tiêu thụ bền vững...; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, sản xuất công nghiệp với mô hình công nghệ lạc hậu làm mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng lớn, tỷ suất phát thải chất ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng khiến các nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái. Chính vì vậy, thông điệp Ngày Môi trường thế giới năm 2015 “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững” đã hướng đến nội dung thiết thực với chính mỗi con người, với mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững. Bộ Công Thương tiếp tục kêu gọi các đơn vị tham gia hưởng ứng bằng những hành động thiết thực như sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong sản xuất kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, đề xuất sáng kiến về sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường…