Bộ Công Thương sẽ giúp các DN phát triển thị trường EAEU một cách bền vững
This browser does not support the video element.
Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và Liên minh kinh tế Á – Âu (VN–EAEU FTA) đã chính thức có hiệu lực tròn 3 năm. Vậy theo Bộ trưởng, những kết quả nào trong việc thực hiện FTA này là ấn tượng và quan trọng nhất?
Cả VN và khối Liên minh kinh tế Á – Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) khi ký kết Hiệp định này đều có những mục tiêu cơ bản:
Thứ nhất, tạo thuận lợi hóa, thúc đẩy trao đổi thương mại hai bên, theo hướng đơn giản hóa các thủ tục và tạo thuận lợi tối đa cho DN hai bên khai thác tốt thị trường của nhau. Thứ hai, tạo thuận lợi cho các đối tác của nhau trong các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực trong sản xuất, xuất nhập khẩu... Thứ ba, tạo khung khổ, tạo thuận lợi, thúc đẩy sự lan tỏa sang các lĩnh vực khác trong hợp tác với các tổ chức đối tác của cả hai bên.
Kể từ khi Hiệp định VN – EAEU có hiệu lực từ tháng 10/2016, tính đến nay, có thể nói rằng, những điều hai bên mong mỏi đều đã đạt được kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại 2 chiều đã có tăng trưởng tốt. Giai đoạn trước khi có Hiệp định, tăng trưởng thương mại chỉ ở mức 5-6%/năm. Từ 2016 đến nay, tăng trưởng thương mại 2 chiều - từ VN tới các nước bạn đều từ 26-30%/năm; năm 2018 tăng 28%; 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng thương mại hai bên tương đối tốt, kim ngạch đạt 3,7 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch cả năm 2019 ước đạt gần 5 tỷ USD. Có thể nói, đây là một kết quả hết sức tốt đẹp và phấn khởi cho cả hai bên.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, hai bên đã có sự phát triển tương đối tích cực, đặc biệt là cơ cấu hàng hóa sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi mẫu EAV theo Hiệp định VN-EAEU FTA đều có sự gia tăng rất tốt, ở mức 28%, đặc biệt trong một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, gạo… Đây là con số rất ấn tượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Khóa họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định VN-EAEU FTA |
Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, hai bên đã tiếp tục ký các Nghị định như: Nghị định thư giữa VN với LB Nga và Belarus về hỗ trợ sản xuất các phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ VN; hay Nghị định thư giữa cơ quan hải quan của hai bên về việc tăng cường trao đổi thông tin điện tử trong lĩnh vực hải quan… Những Nghị định thư này có ý nghĩa rất lớn, giúp VN tiếp tục tăng cường năng lực trong hoạt động sản xuất cũng như thúc đẩy giao lưu thương mại, tạo thuận lợi cho các DN trong tiếp cận thị trường. Đặc biệt là giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục ngăn chặn, đấu tranh những hành vi gian lận thương mại, gian lận trong cơ chế ưu đãi mà chúng ta đã ký kết với phía bạn.
Về hoạt động đầu tư giữa VN và khối Liên minh EAEU, hai bên kỳ vọng sẽ có những thuận lợi và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà VN có thế mạnh như: năng lượng, dầu khí, điện lực, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo ô tô, cơ khí thi công… là những ngành mà phía bạn đang rất quan tâm. Ủy ban giám sát thực thi Hiệp định của cả 2 bên sẽ tiếp tục đưa ra định hướng và biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục hoàn chỉnh, điều chỉnh các nội dung bổ sung cho Hiệp định, cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện ở cấp độ của các bộ, ngành cũng như các lĩnh vực để đạt hiệu quả cao hơn.
Xin Bộ trưởng cho biết, quá trình thực thi Hiệp định hiện đang gặp phải những vướng mắc hay khó khăn gì, và những khó khăn đó sẽ được xử lý như thế nào?
Trên thực tế, trong quá trình hợp tác với nhau, cũng như hợp tác với các tổ chức đối tác của hai bên, cả hai bên đều nhận thấy thì cả 2 bên đều đã nhận định và đưa ra một số vấn đề mà cần sự phối hợp để giải quyết.
Đối với VN, chúng ta có tiềm năng và thế mạnh để mở rộng thị trường tại các nước EAEU, cũng như mở rộng các lĩnh vực trong hoạt động xuất khẩu, đầu tư. Trước hết là các mặt hàng dệt may, da giày, nông thủy sản chế biến, gạo, tôm, cá… hay là các sản phẩm đồ gỗ, may mặc, thậm chí cả những sản phẩm công nghiệp, chăn nuôi, chúng ta đều có quy mô và năng lực rất lớn. Hơn nữa, bản thân thị trường EAEU có nhu cầu và có dư địa rất lớn, tuy nhiên ta còn vướng mắc với bạn ở một số vấn đề liên quan đến SPS – kiểm dịch về động vật, thực vật; hoặc các vấn đề liên quan đến công nhận tương đương, công nhận lẫn nhau về chất lượng trong vệ sinh an toàn thực phẩm; hay thậm chí cả 1 số thủ tục gắn với việc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm của nông sản, thủy sản, rau quả, trái cây của VN.
Thêm vào đó là câu chuyện liên quan đến phòng vệ theo ngưỡng của một số sản phẩm trong dệt may, may mặc cũng là hạn chế, đặc biệt là với thị trường Nga. Về phía EAEU, bạn cũng có phàn nàn và vướng mắc trong việc tăng cơ hội và năng lực tiếp cận thị trường VN, trong một số lĩnh vực như: vận tải ô tô, sắt thép, cơ khí, tiêu dùng… Tại Khóa họp lần này, VN cũng đã đang bàn bạc với bạn, làm sao có những biện pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa, nhất là liên quan đến mở cửa thị trường.
Câu chuyện là, nếu chúng ta có phương thức tiếp cận thị trường tốt với phía bạn, làm cho bạn mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn nữa cho các sản phẩm thủy sản, các ngành công nghiệp chế biến nông sản; và VN cũng có thể mở cửa thị trường cho các sản phẩm của chăn nuôi (của Nga), hay thịt gà tây, lợn, bò (từ các nước trong Liên minh)… mang tính chất bổ sung cho nhau, thì cán cân thương mại sẽ tốt hơn. Hiện cán cân thương mại đang nghiêng chiều thuận lợi về phía chúng ta. Cụ thể, hàng năm chúng ta xuất siêu sang nước bạn từ 1-2 tỷ USD. Như vậy, nếu muốn tạo ra khung khổ nền tảng phát triển bền vững thì chúng ta cũng sẽ tiếp tục với phía bạn để tháo gỡ những vấn đề khó khăn như đã nêu trên.
Trong 3 năm qua Chính phủ VN cũng như Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ như thế nào để các DN của VN có thể khai thác tối đa thị trường này, thưa Bộ trưởng?
Ngay sau khi Hiệp định được ký kết thì mục tiêu cũng như nhiệm vụ của Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương là phải tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn, cũng như các văn bản liên quan đến Hiệp định, để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực thi. Trên thực tế, công việc này cũng đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cũng có thể nói, đây chính là động lực tạo ra sự tăng trưởng tương đối tốt cho các hoạt động xuất khẩu, thương mại cũng như đầu tư giữa VN với các nước khối EAEU thời gian qua.
Tuy nhiên cũng còn 1 số vấn đề mà chúng ta cần phải đánh giá cho đúng, cho trúng để cùng giải quyết.
Thứ nhất, dù có sự tăng trưởng tốt nhưng tỷ lệ khai thác các mặt hàng sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi mẫu EAV theo Hiệp định VN-EAEU FTA vẫn chưa cao, chưa đúng như kỳ vọng mà chúng ta mong muốn.
Thứ hai, công tác tổ chức thực thi Hiệp định, liên quan đến rất nhiều bộ ngành cùng phải thực hiện, nhất là liên quan đến câu chuyện mở cửa thị trường. Ví dụ, các vấn đề liên quan đến SPS đòi hỏi phải có vai trò của các Bộ ngành khác, cần làm việc rất chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời với các cơ quan chức năng phía bạn. Những việc này chúng ta làm cũng chưa đảm bảo được yêu cầu về tiến độ.
Thứ ba, cũng cần thấy rằng các DN cũng chưa vào cuộc một cách thực sự quyết liệt. Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ các DN thường quan tâm tới các thị trường dễ dàng, thuận lợi hơn và có những điều kiện ưu đãi hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên đây là những thị trường trọng yếu và rất lâu dài trong chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa của VN trong hợp tác kinh tế.
Thứ tư, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh. Bản thân phía bạn cũng có những ưu tiên hợp tác với các đối tác khác. Nếu như trước năm 2016, VN là đối tác duy nhất ở ĐNA có FTA với phía EAEU thì hiện nay, EAEU đã ký FTA với Singapore, có thể sẽ ký với Israel, Ấn Độ và nhiều đối tác khác, quan hệ EAEU với phía Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Vì vậy, thuận lợi của chúng ta, trước đây là đối tác duy nhất thì nay cũng sẽ có sự cạnh tranh rất mạnh. Và như tôi đã nói ở trên, EAEU là thị trường có tiềm năng phát triển và dư địa còn rất lớn, nếu không tranh thủ thì chúng ta sẽ đánh mất lợi thế, thậm chí đánh mất vai trò và vị trí hiện có trong thị trường này.
Chính vì vậy, việc tổ chức lại cho cộng đồng DN tiếp cận với khu vực thị trường này là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất đối với Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khác. Bộ Công Thương sẽ tập trung làm tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới, giúp cho các DN có điều kiện phát triển thị trường một cách bền vững.