Đoàn công tác do Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường trong nước và đại diện một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra tại 02 doanh nghiệp chuyên sản xuất trang thiết bị y tế; 04 doanh nghiệp may mặc và trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.
Doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khoẻ cộng đồng
Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình sản xuất, cung ứng mặt hàng khẩu trang y tế phục vụ phòng, chống dịch nCoV, ông Đào Đình Khoa – Giám đốc Công ty CP Tanaphar – cho biết, Tanaphar là một trong số ít doanh nghiệp có dây chuyền thiết bị đồng bộ và hiện đại nhất khu vực phía các tỉnh Bắc với năng lực sản suất khoảng 50.0000- 60.000 sản phẩm khẩu trang y tế/ngày.
Ông Ngô Khải Hoàn: Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, kịp thời nhất |
“Hiện Công ty Tanaphar đang sản xuất 02 loại khẩu trang thường và khẩu trang tiệt trùng, trong đó, sản phẩm khẩu trang tiệt trùng có 4 lớp, gồm 02 lớp vải không dệt, 01 lớp vải không dệt kháng khuẩn và 01 lớp vải tẩm than hoạt tính” – ông Khoa giới thiệu và cho biết thêm, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch nCoV, công ty đã huy động tối đa công suất dây chuyền thiết bị và toàn bộ nhân lực làm việc 24/24 giờ/ngày nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, ông Khoa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hiện phần lớn sản phẩm khẩu trang y tế của công ty được cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống dịch, như: Y tế, Hải quan, Biên phòng và Quản lý thị trường, phần còn lại được cung ứng ra thị trường với giá bán được niêm yết rõ ràng và không tăng giá so với thời điểm trước khi có dịch nCoV.
Ông Lê Xuân Hiền: Công ty đã thực hiện niêm yết giá và cam kết không nâng giá bán sản phẩm |
“Nếu có khoảng 10 tấn vải lọc kháng khuẩn chúng tôi sẽ đảm bảo sản xuất và cung ứng đủ số lượng khẩu trang phòng dịch trên địa bàn TP. Hà Nội” – Ông Khoa khẳng định và nói thêm về những khó khăn và cũng là áp lực lớn đối với Công ty Tanaphar bởi tại thời điểm này, công ty chỉ còn lượng màng lọc kháng khuẩn rất hạn chế, trong khi đó, các nguồn nhập khẩu từ nhiều quốc gia (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…) đang gặp khó khăn do hầu hết các quốc gia này đang siết chặt hoạt động xuất khẩu loại nguyên liệu này.
Cũng khẳng định doanh nghiệp đã và sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và sẵn sàng chung tay, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để cùng cả nước phòng, chống dịch nCoV, ông Lê Xuân Hiền – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Đại Uy, đơn vị hiện có hai dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế khá hiện đại với công suất tối đa lên đến 100 nghìn sản phẩm/ngày – cho biết, hiện đơn vị đã huy động tối đa công suất dây chuyền và nhân lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, theo ông Hiền, “Công ty cam kết không nâng giá bán sản phẩm”, tuy nhiên, nếu nguyên liệu đầu vào tăng cao thì đơn vị phải điều chỉnh để đảm bảo hoạt động, song đơn vị sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong trường hợp cần thiết vì sức khoẻ của cộng đồng. Hiện công ty đang bán sản phẩm cho các đại lý với mức giá 30 nghìn đồng/hộp 50 chiếc khẩu trang tiêu chuẩn.
Cũng như Công ty Tanaphar, vị đại diện Công ty Đại Uy cho biết, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là nguồn vải lọc kháng khuẩn và màng lọc than hoạt tính. “Hiện công ty chỉ còn khoảng 300 kg vải lọc kháng khuẩn, tương ứng với khoảng 1,1 triệu sản phẩm khẩu trang thành phẩm” – ông Hiền nói và cho biết, một số đối tác đã xác nhận sẽ cung cấp số lượng lớn màng lọc kháng khuẩn cho đơn vị trong một vài ngày tới, song đây vẫn là mối lo lớn của doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất phục vụ công tác phòng, chống dịch nCoV trong thời gian tới.
Một tín hiệu đáng mừng được ghi nhận trong cuộc kiểm tra ngày hôm nay là một số đơn vị chuyên về may mặc (Như: Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP May Sài Đồng, trường Đại học Dệt may…), dù không chuyên về sản xuất khẩu trang, song khẳng định sẵn sàng huy động máy móc, nguyên vật liệu và nhân công tập trung sản xuất mặt hàng này phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ông Trần Việt: Dệt kim Đông Xuân sẵn sàng tham gia sản xuất, cung ứng cho thị trường với mức gia sát với giá thành sản xuất |
Cụ thể, ông Trần Việt – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân – cho biết, đơn vị có khả năng sản xuất từ 15-20 nghìn sản phẩm khẩu trang bằng loại vải dệt kim kháng khuẩn. “Công ty có sẵn nguồn vải kháng khuẩn này, tuy nhiên, hiện sản phẩm khẩu trang chủ yếu phục vụ nhu cầu của cán bộ, công nhân viên của đơn vị” – Ông Việt cho biết và bổ sung, sản phẩm khẩu trang của đơn vị có thể sử dụng nhiều lần (sau 30 lần giặt) nên hiệu quả phòng, chống dịch và lợi ích kinh tế là khá lớn.
Trong khi đó, khẳng định dù là đơn vị chuyên sâu về đạo tạo hơn là sản xuất các sản phẩm may mặc, song bà Nguyễn Thu Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt – May Hà Nội – khẳng định với Đoàn công tác, nhà trường sẵn sàng huy động toàn bộ nhà xưởng vốn phục vụ công tác thực tập của sinh viên để sản xuất sản phẩm khẩu trang.
“Chúng tôi có thể huy động toàn bộ dây chuyền máy móc và khoảng 1.000 sinh viên tham gia sản xuất khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch” – Bà Phượng khẳng định và đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương cần hỗ trợ nhà trường tìm kiếm nguồn nguyên liệu và đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm khẩu trang để đảm bảo phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng khẩu trang phòng dịch
Tại các cuộc làm việc, ghi nhận nỗ lực và sự quyết tâm, chủ động của các doanh nghiệp trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch nCoV, ông Ngô Khải Hoàn một lần nữa nhấn mạnh, việc đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá bán các sản phẩm y tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ, đặc biệt là Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV, các Bộ, ngành yêu cầu.
Nhắc lại nội dung chỉ đạo tại Công văn số 79-CV/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TTg, Quyết định số 173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bô Công Thương ban hành ngày 31/1 về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh nCoV, ông Hoàn lưu ý các đơn vị, doanh nghiệp, trước mắt, cần tập trung tối đa năng lực sản xuất, huy động nhân, vật lực tập trung ở mức cao nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu khẩu trang, trong đó có khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ông Trần Thanh Hải: Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu sản xuất |
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân” - ông Hoàn nói và cho rằng, hơn lúc nào hết, các tổ chức, doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh.
Về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là việc tìm nguồn cung vải kháng khuẩn và các vật tư khác (màng than hoạt tính, dây thun, hoá chất kháng khuẩn… ), ông Hoàn cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, kịp thời nhất.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn cung” – ông Hoàn nói. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lan rộng của dịch nCoV, hiện nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế, thậm chí là cấm xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế nói riêng, các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch nói chung. Vì vậy, ở tầm vĩ mô và lâu dài, trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo và tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã huy động tối đa công suất thiết bị và nhân lực hoạt động 24/24h nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch nCoV |
Liên quan đến đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định của ngành Y tế đối với sản phẩm khẩu trang chuyên dụng, ông Hoàn cho biết, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ có ý kiến với cơ quan Y tế nhằm hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Bổ sung, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – cho biết, hiện một số quốc gia đã cấm xuất khẩu sản phẩm y tế song vẫn cho phép xuất khẩu nguyên vật liệu sản xuất, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế. Do đó, cùng với Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ động tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ và Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm đối tác cung cấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.