Bộ Công Thương: Góp phần ổn định thị trường khẩu trang
Đáp ứng thị trường trong nước
Sau khi người dân đi làm, học sinh, sinh viên đi học trở lại, nhu cầu khẩu trang gia tăng, tuy nhiên thị trường không có biến động. Sản phẩm khẩu trang, nhất là khẩu trang vải đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, không còn hiện tượng hiếm hàng, sốt giá. Điều này thực sự có ý nghĩa rất lớn giúp Việt Nam sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Ghi nhận tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng như nhiều hiệu thuốc lớn tại Hà Nội cho thấy, lượng khách mua khẩu trang không nhiều. Mặt hàng phổ biến là khẩu trang vải, khẩu trang sợi hoạt tính, có giá khoảng 50.000 đồng/hộp.
Nhiều ý kiến cho rằng, có được kết quả nêu trên không thể không nhắc đến vai trò của Bộ Công Thương. Ngay từ đầu mùa dịch, Bộ Công Thương đã chủ động, khẩn trương vào cuộc từ rất sớm, đưa ra các giải pháp cụ thể để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu; triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa lớn, đảm bảo cung ứng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Từ tháng 3/2020, Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác kết nối cung cầu nhằm xác định nhu cầu cần thiết đối với mặt hàng khẩu trang, phối hợp với các cơ quan, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng khẩu trang phục vụ người dân và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Ngay từ khi dịch bùng phát, tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang xảy ra, các doanh nghiệp đã tăng ca sản xuất cung ứng sản phẩm, dần chủ động được nguyên liệu đầu vào để duy trì sản xuất khẩu trang vải với mức giá hợp lý, chủ động đầu tư vào khâu thiết kế, chất liệu để cải tiến sản phẩm.
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường cho tới hết tháng 3/2020 là khoảng gần 60 triệu chiếc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tích cực công tác rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm để đảm bảo sản phẩm khẩu trang nói riêng và vật tư y tế nói chung cung ứng ra thị trường đảm bảo chất lượng, bán đúng giá. Đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân không hoang mang ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 8.780 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, xử phạt vi phạm hành chính trên 4 tỷ đồng. Các con số này được cung cấp minh bạch hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.
Rộng đường xuất khẩu
Việc ổn định thị trường khẩu trang phòng chống dịch Covid -19 có đóng góp quan trọng của Bộ Công Thương |
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện có 20 doanh nghiệp dệt may đang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Các doanh nghiệp trong nước đã cơ bản chủ động được nguyên vật liệu để sản xuất được trên 7 triệu chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày và trên 6 triệu chiếc/ngày với khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn. Với năng lực này, doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được nhu cầu trong nước đồng thời xuất khẩu mặt hàng khẩu trang ra nước ngoài, tận dụng cơ hội trong bối cảnh nhu cầu thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang đang tăng cao trên toàn cầu. Từ đó duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.
Trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường trong nước dần bão hòa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải. Đồng thời nắm bắt tình hình thực tế tại các doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu theo quy định.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, cơ chế cho xuất khẩu khẩu trang đã tương đối mở và không còn nhiều vướng mắc.
Trong 4 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu trên 415 triệu chiếc khẩu trang cho hàng chục nước trên thế giới, trị giá hơn 63 triệu USD. Trong đó chủ yếu là khẩu trang vải chống bụi mịn, vải 100% cotton, 2 lớp vải cotton.
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Bởi khẩu trang là một mặt hàng thời vụ, tính ổn định không cao.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, quyết định bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 trước đó.
Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu về các tiêu chuẩn kỹ thuật từ thị trường mục tiêu để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang, mới đây, Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH tổ chức hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hiểu và nắm bắt được các quy định về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, nhất là với các thị trường khó tính như EU, Mỹ.