Bộ Công Thương đưa giải pháp tiết giảm, ưu tiên nguồn cung ôxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19 |
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nắm bắt nhu cầu sử dụng, chủ động giải pháp đảm bảo nguồn cung ôxy cho các cơ sở y tế |
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung ôxy cho bệnh nhân mắc Covid-19, nhất là các tỉnh phía Nam, xin ông cho biết về tình hình sản xuất, cung ứng ôxy lỏng cung cấp cho các cơ sở y tế hiện nay cụ thể ra sao?
Như chúng ta biết, ôxy sản xuất được dùng cho nhiều mục đích, trong đó các bệnh viện, cơ sở y tế chủ yếu là dùng ôxy lỏng. Trên thực tế, ôxy lỏng là loại hàng hóa đặc biệt, đòi hỏi đảm bảo an toàn, kỹ thuật cao trong sản xuất, vận chuyển, bảo quản, vận hành hệ thống. Do vậy, nguồn cung ôxy lỏng cho các bệnh viện ở mức bình thường là không thiếu, nhưng vào cao điểm hiện nay, nhất là giai đoạn các tỉnh phía Nam đang thiếu cục bộ ôxy lỏng phục vụ công tác phòng chống dịch. Cụ thể, hiện nay nhu cầu sử dụng ôxy y tế của TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam vào khoảng 350 tấn/ngày tuy nhiên, khả năng cung ứng của các nhà cung cấp đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất khó khăn chính là khâu vận chuyển, với đặc tính của ôxy lỏng thì khâu vận chuyển hầu như không thể đi bằng đường hàng không. Đơn cử từ miền Bắc vận chuyển vào miền Nam chỉ mang tính thời điểm, không đảm bảo hiệu quả lâu dài do cung đường quá xa, thiếu phương tiện, thời gian vận chuyển dài ngày nếu sử dụng ô tô (tối thiểu 4-5 ngày/1chiều), phương án vận chuyển tàu biển, đường sắt, hàng không là không khả thi làm tăng chi phí. Nên các doanh nghiệp chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ với bình chứa ôxy lỏng.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) |
Thứ hai, đó là khó khăn trong vấn đề lưu trữ ôxy ở các bệnh viện. Thông thường các bệnh viện có bồn chứa nhỏ, nhưng thời điểm hiện nay, nhu cầu ôxy tăng đột ngột đã gây ra tình trạng thiếu nguồn chứa.
Ngoài ra, trong thời kỳ đỉnh dịch vừa qua, do các nhà máy phải tạm dừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng, nên toàn bộ nguồn cung ôxy trên thị trường được huy động phục vụ cho ngành y tế. Hiện nay, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất, các nhà cung cấp khí cũng phải quay lại phục vụ nhu cầu khí công nghiệp của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết trước đây. Trong đó, ngành thép là ngành sử dụng lượng lớn khí công nghiệp từ các nhà cung cấp khí trong nước, dẫn đến nguồn cung khí trong nước cho ngành y tế bị thu hẹp lại.
Với những nguyên nhân nêu trên, vấn đề này đặt ra bài toán về việc cung cấp ôxy lỏng cho các cơ sở y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng, cũng như phương án đảm bảo đầy đủ việc cung cấp ôxy lỏng cho các cơ sở y tế cả nước trong dài hạn.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã có và sẽ có những giải pháp gì để tăng cường ôxy cung cấp cho các bệnh viện, cở sở y tế, thưa ông?
Trước khó khăn này, Bộ Công Thương đã hết sức chủ động và triển khai sớm các giải pháp, trong đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế thành lập tổ liên ngành, trước hết là thống kê các nhà sản xuất ôxy tiềm năng; thứ hai là phối hợp với Bộ Y tế điều phối ôxy sử dụng trong chữa bệnh.
Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, Bộ Công Thương liên tục có các văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất ôxy lỏng tăng hết năng lực sản xuất 3 ca/ngày ưu tiên phục vụ điều trị y tế.
Văn bản thứ hai là hạn chế các lĩnh vực công nghiệp khác có sử dụng ôxy để làm sao cung cấp tối đa ôxy lỏng cho y tế, các bệnh viện phía Nam. Cụ thể, đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp ngành thép điều chỉnh phù hợp nhu cầu sử dụng ôxy tiết giảm nhu cầu sử dụng ôxy, cân đối hết sức dè sẻn, để có lượng ôxy tăng thêm hỗ trợ chống dịch hiệu quả.
Thứ ba, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá đối với mặt hàng ôxy lỏng.
Với các yêu cầu này của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng triển khai, thực hiện. Như một số doanh nghiệp thép cho biết sẽ điều chỉnh công xuất sản xuất để hỗ trợ cho việc sử dụng ôxy lỏng cho y tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất thông tin sẽ tăng công suất, đẩy mạnh nguồn cung, các doanh nghiệp vận chuyển cũng đã vào cuộc.
Với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 27/12, Bộ Công Thương đã trực tiếp liên hệ với các công ty sản xuất, vận chuyển để điều phối việc cung cấp ôxy lỏng cho các cơ sở y tế đang gặp tình trạng thiếu hụt. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ Que hàn (Sovigaz), một thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cam kết dừng toàn bộ việc cung cấp ôxy lỏng của các lĩnh vực khác để cung cấp cho y tế cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh, thấp nhất là 115 tấn ngay trong ngày. Ngày 28/12 sẽ có chi viện từ miền Bắc vào thêm 50 tấn tới TP.Hồ Chí Minh. Trên cơ sở này sẽ phân phối cho các bệnh viện. Ngày 29/12 trở đi, mỗi ngày ôxy tăng cường từ miền Bắc vào miền Nam từ 50-70 tấn và có thể nhiều hơn nếu điều kiện cho phép.
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh khí cũng đang tập trung tối đa các phương tiện như: Téc, bồn để vận chuyển ôxy lỏng. Như tôi đã đề cập, vận chuyển ôxy lỏng có những yêu cầu rất ngặt nghèo, chặt chẽ, do đây là chất gây nguy cơ cháy nổ và không tồn tại ở điều kiện bình thường mà phải chứa trong téc đảm bảo áp suất, nhiệt độ.
Mặt khác, chúng tôi đang tìm kiếm các nguồn cung cấp ôxy, hiện cũng đã giao cho một số đơn vị thuộc Hiệp hội Khí công nghiệp tăng cường lượng cung ứng tại chỗ ôxy lỏng. Đơn cử như từ Vũng Tàu, từ TP.Hồ Chí Minh, tất cả các doanh nghiệp sản xuất khí ôxy lỏng sẽ phải cung cấp tối đa cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh hiện nay đang gặp khó khăn về ôxy.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nắm bắt nhu cầu sử dụng, chủ động giải pháp đảm bảo nguồn cung ôxy cho các cơ sở y tế; chỉ đạo các đơn vị sản xuất sớm đưa các dự án đang xây dựng vào hoạt động, xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất tối đa ôxy y tế theo công suất cho phép. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án lưu trữ, vận chuyển để cung ứng ôxy y tế trong cả nước, kể cả phương án vận chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại khi có nhu cầu cấp bách.
Được biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng phần mềm ôxy để nắm bắt về nhu cầu ôxy tại các cơ sở y tế trên cả nước, kịp thời điều phối cung cầu, phần mềm này đã hỗ trợ ra sao, thưa ông?
Liên quan đến phần mềm này, ngay từ tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã cử đại diện tham gia Tổ ôxy do Bộ Y tế chủ trì, đã chỉ đạo rà soát, cung cấp đầy đủ số liệu về sản xuất, cung ứng oxy theo đề nghị của Bộ Y tế để cập nhật trong phần mềm và công tác điều phối của Bộ Y tế và Tổ ôxy.
Theo đó đã cùng phối hợp họp xây dựng phần mềm điều tiết lượng ôxy để khi có yêu cấp bách có thể điều chuyển từ vùng này sang vùng khác (phần mềm do Cục công nghệ thông tin Bộ Y tế xây dựng). Đây là phần mềm có tính chất vừa đảm bảo thông tin nguồn cung và trên cơ sở đó để có thể điều phối vận chuyển ôxy tới khu vực có nhu cầu.
Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Hóa chất đã phối hợp với các Sở Công Thương các địa phương và Bộ Y tế trong các hoạt động sản xuất cung ứng ôxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, Cục Hóa chất đã rà soát các cơ sở sản xuất, cung ứng và các trang thiết bị có liên quan gửi Bộ Y tế tổng hợp, cập nhật trên phần mềm ôxy, đồng thời theo dõi thông tin trên phần mềm và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết, kịp thời điều phối cân bằng cung cầu thị trường.
Theo đánh giá của chúng tôi, phần mềm này là rất tốt cho việc điều hành và rất mong muốn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng vận chuyển và đơn vị sử dụng, các cơ quan địa phương tham gia chống dịch nên bố trí đủ cán bộ tìm hiểu và sử dụng tốt, có hiệu quả phần mềm này.
Bộ Công Thương, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ sử dụng và điều hành chung để đảm bảo hạn chế dư cung thiếu cầu cục bộ, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân phải sử dụng ôxy.
Qua đây, Cục Hóa chất cũng đề nghị các địa phương tiếp tục kết nối, chia sẻ, chủ động truy cập tham khảo phần mềm ôxy để nắm bắt được hiện trạng phối hợp đảm bảo cung ứng hài hòa trong việc sử dụng, cung ứng ôxy ở mức cao nhất cho y tế.
Xin cảm ơn ông!