Bộ Công Thương chú trọng theo dõi thi hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm quản lý
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra bằng nhiều hình thức
Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: Là cơ quan trực thuộc Chính phủ quản lý nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn nhận thức tầm quan trọng, mục đích của công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Do đó, hằng năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như xuất nhập khẩu, xăng dầu, thương mại điện tử...Bên cạnh đó, Bộ cũng bám sát Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để lồng ghép Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hằng năm của Bộ. Đối với các nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch, Bộ Công Thương đều có báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào cuối năm theo đúng thời gian yêu cầu tại Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012.
Trên cơ sở các hoạt động nêu tại kế hoạch, Bộ Công Thương tiến hành hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật bằng các hình thức khác nhau như thu thập thông tin; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật hoặc điều tra, tiến hành lấy phiếu khảo sát, thu thập thông tin để tổng hợp kết quả và có báo cáo, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật của các địa phương, doanh nghiệp đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc về việc thi hành các quy định pháp luật trong vực Công Thương.
Lực lượng Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra việc thực hành các quy định tại một số cửa hàng xăng dầu |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 3 năm vừa qua, nên Bộ Công Thương không tổ chức các đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật như kế hoạch đặt ra đầu năm. Tuy nhiên, để đánh giá thực trạng thi hành pháp luật trong năm vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các địa phương có báo cáo về tình hình triển khai thi hành pháp luật, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi của đơn vị, qua đó kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực thi, áp dụng pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao trên cơ sở đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ với các Bộ ngành có liên quan. Đáng chú ý, ngày 26/01/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật ngành Công Thương.
Bộ cũng cũng thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện các văn bản sau khi được ban hành, thu thập thông tin, xây dựng chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất làm việc với địa phương, cơ sở, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện từ các đối tượng thực thi, các cơ quan, đơn vị liên quan và nhất là thông tin phản hồi từ phía các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, đã giúp Bộ Công Thương theo dõi sát sao tình hình thực hiện, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật để có những biện pháp xử lý, điều chỉnh cần thiết, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các lĩnh vực và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện. Tăng cường thực hiện rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thi hành pháp luật tại địa phương để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Chú trọng theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý
Với sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của lãnh đạo Bộ, việc thực thi pháp luật tại Bộ Công Thương thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực. Các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, hoạt động thực thi pháp luật được triển khai một cách hiệu quả và nghiêm minh. Việc thực hiện đầy đủ các quy định về theo dõi thi hành pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân; giúp cho việc phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong thực tế triển khai để đề xuất những biện pháp và phương án xử lý kịp thời, giúp cho hoạt động quản lý nhà nước được hiệu quả và tạo thuận lợi hơn cho sản xuất, kinh doanh.
Thông qua hoạt động tuyên truyền và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thi hành pháp luật, tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã được triển khai thực hiện đồng bộ. Qua đó, góp phần đảm bảo cho các quy định của nhà nước được thi hành một cách nghiêm minh và hiệu quả; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức và đơn vị trong công tác thi hành pháp luật của Nhà nước nói chung và Hiến pháp nói riêng. Bên cạnh đó, việc theo dõi thi hành pháp luật thường xuyên giúp cho việc phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong thực tế triển khai để đề xuất những biện pháp và phương án xử lý kịp thời, giúp cho hoạt động quản lý nhà nước được hiệu quả và tạo thuận lợi hơn cho sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và khả thi của các văn bản. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức phổ biến pháp luật một cách phù hợp, hiệu quả, đảm bảo điều kiện tối đa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ đối với các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các cơ sở vi phạm |
Đồng thời, Bộ chú trọng thực thực hiện hoạt động theo dõi thi hành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ như: Thương mại điện tử, phòng vệ thương mại, điện lực, xử phạt vi phạm hành chính, xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, dầu khí, an toàn thực phẩm, quản lý chợ, thanh tra chuyên ngành, tổ chức và hoạt động của các trường thuộc Bộ... thông qua việc tiến hành các đoàn kiểm tra và hậu kiểm của Bộ Công Thương. Việc kiểm tra giúp cho việc đảm bảo pháp luật được thi hành nghiêm túc; kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục những vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Cụ thể:
Trong lĩnh vực thương mại điện tử: Thông qua công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, Bộ Công Thương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng; ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi nâng giá bán, nâng giá vận chuyển gay mất ổn định thị trường.
Trong thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ: Công tác kiểm tra đã phát hiện và giúp doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường còn ngành.
Thời gian tới, để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy hơn nữa trách nhiệm quản lý đối với lĩnh vực được giao, Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý quy định cụ thể, rõ ràng về các vấn đề như nội dung theo dõi thi hành pháp luật, cách thức thực hiện, trách nhiệm, cơ chế phối hợp cụ thể của các cơ quan liên quan là vấn đề quan trọng đảm bảo cho công tác theo dõi thi hành pháp luật được triển khai một cách có hiệu quả. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất một số vấn đề như:
Thứ nhất, đề nghị sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể về cách thức thực hiện các hoạt động kiểm tra, khảo sát; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác theo dõi thi hành pháp luật (giữa Viện kiểm soát, Tòa án và các Bộ ngành) trong việc cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, để thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thống kê số liệu, tổng hợp và xây dựng báo cáo hàng năm, đề nghị điều chỉnh thời điểm báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật cùng thời điểm báo cáo thống kê ngành Tư pháp.
Thứ hai, đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2021/TT-BTP theo hướng quy định rõ một số nội dung như: Việc kiểm tra thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật như thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại Thông tư số 04/2021/TT-BTP, việc ban hành “văn bản thông báo kết luận kiểm tra”...
Thứ ba, đề nghị tăng cường các điều kiện bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác theo dõi thi hành pháp luật.