Bộ Công Thương chủ động cùng doanh nghiệp "gỡ điểm nghẽn" thị trường xuất khẩu
Thị trường xuất khẩu thế giới nói chung và của Việt Nam hiếm khi nào chứng kiến một vĩ độ thấp của nhu cầu như hiện nay. Xếp cuộc xung đột Nga – Ukraine sang một bên, không khó để nhận ra nhu cầu thế giới hiện giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Một đặc trưng đáng chú ý của tình hình là lạm phát duy trì ở mức cao, chưa có dấu hiệu được cải thiện; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều nước.
Dội thêm những bất lợi cho các thị trường xuất khẩu là tình hình tồn kho cao, tác động đến sức cầu nhập khẩu hàng hóa. Trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.
Bối cảnh này đang diễn ra và còn có thể kéo dài, thậm chí gay gắt hơn nữa. Tình hình rõ ràng đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương, quyết liệt song phải phù hợp để gỡ cho được những điểm nghẽn trên. Đặc biệt điểm nghẽn thị trường - theo các chuyên gia là mang tính quyết định. Chúng ta không thể ngồi chờ thị trường chuyển hướng có lợi cũng như không thể đợi những cơ hội mới sẽ xuất hiện ở đường chân trời.
Công điện số 238 ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã toát lên những tinh thần đó. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một tinh thần rất quan trọng là tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp để từ đó sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Như vậy rõ ràng là xuất khẩu trong vai trò một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế cần phải sớm có những lối ra mới tại các thị trường truyền thống cũng như hướng mở cho các thị trường mới.
Với vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, có thể nói trong những ngày qua, Bộ Công Thương chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ bằng việc chủ động vào cuộc một cách quyết liệt. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong vai trò tư lệnh ngành đã trực tiếp chủ trì và chỉ đạo các hội nghị quan trọng hướng tới mục đích tìm được các giải pháp khai mở thị trường; vừa là để giữ vững các mục tiêu xuất khẩu, đã được đề ra cho năm 2023, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong đó phải kể đến hội nghị giao ban khối Công Thương địa phương, hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tập trung cho thị trường Trung Quốc. Các hội nghị này đã huy động tổng lực sự góp mặt các vụ chức năng của Bộ Công Thương cùng các hệ thống thương vụ ngoài nước. Tham gia các hội nghị có đông đảo đại diện các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hiệp hội ngành hàng. Tinh thần như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh là vừa chú trọng khai thác thị trường truyền thống, vừa mở thêm các thị trường mới có tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì một hội nghị của Bộ Công Thương về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu |
Ghi nhận tại các hội nghị này cho thấy đã có sự gặp nhau rất cao trong yếu tố chủ động: Bộ chủ động, doanh nghiệp chủ động, hiệp hội chủ động. Tinh thần chủ động ở đây thể hiện bằng các thông tin, trao đổi, lắng nghe, vấn đề gì có thể giải quyết ngay tại hội nghị đều được "gút" lại để có thể nhanh chóng triển khai. Bởi lúc này một đơn hàng mới xuống tàu, một hợp đồng xuất khẩu được đúc kết, một đối tác mở ra đều thêm một điểm sáng cho nền kinh tế. .
Nhiều giải pháp quan trọng không chỉ trước mắt mà còn cho cả những năm tiếp theo đã được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đúc kết tại các hội nghị quan trọng trên. Theo đó các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện các chủ trương, quan điểm, cơ chế chính sách nhà nước đang có để khai thác các thị trường mà nước ta đang là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động của mình, khẩn trương kiến nghị đề xuất với Đảng, Nhà nước, với các Bộ, ngành và địa phương sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế chính sách phù hợp, khả thi.
Bên cạnh đó tập trung nghiên cứu, tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu, nhất là những cơ chế chính sách mới để có những phản ứng chính sách hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, của người sản xuất và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý các doanh nghiệp chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong các vụ việc có tranh chấp giữa các doanh nghiệp với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó và vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu để có thể xuất được nhiều hơn.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu doanh nghiệp trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Thêm nữa theo Bộ trưởng, các hiệp hội và các doanh nghiệp cần tập trung củng cố, khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy chạy", "việc ai nấy làm", vô hình trung lại làm khó cho nhau. “Phải quán triệt phương châm “đi buôn có bạn, đi bán có phường”, “muốn đi nhanh thì cứ đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
Những giải pháp này bên cạnh thể hiện rõ sự chủ động của ngành Công Thương từ tư lệnh ngành đến lãnh đạo các vụ chức năng còn cho thấy nhiều cách làm mới thể hiện sự kịp thời, sáng tạo. Bởi khó khăn có thể gay gắt, có thể chưa từng có tiền lệ nhưng không thể đủ sức nặng để “bít” hết các giải pháp ứng phó với tình hình.
Một ví dụ cho thấy vấn đề này chính là chọn nội dung cho hội nghị giao ban xúc tiến thương mại thường kỳ tháng 4/2023 là tập trung cho thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam. Như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta.
Nhiệm vụ của Bộ Công Thương, của doanh nghiệp là phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này. Nhất là khi thị trường Trung Quốc đã gần như không còn mác “dễ tính” như quan niệm lâu nay.
Đặc biệt việc đánh giá đúng và trúng những tiềm năng, nhu cầu của một thị trường mang tính cạnh tranh với hàng hoá Việt Nam như thị trường Trung Quốc là điểm mấu chốt để thúc đẩy xuất khẩu và đặc biệt coi đây là đòn bẩy để thúc đẩy việc xuất khẩu chuyển dần sang chính ngạch cũng như chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường; chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Bộ Công Thương cũng đã và đang tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại để tạo đường ray mới cho hoạt động xuất khẩu. Xúc tiến thương mại được tổ chức với chất lượng sâu hơn, hướng tới việc mở thị trường xuất khẩu ngay từ thị trường nội địa. Đặc biệt Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, Đông Âu,…
Trong việc khai mở các thị trường mới, có thể nói thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã và đang chạy đua với thời gian để tăng cường kết nối, mở ra các đường hướng hợp tác mới thông qua việc đi đến ký kết các FTA mới. Ngay trong tháng 4 này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã thống nhất nội dung và chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA). Với việc chính thức kết thúc đàm phán, hai nước tiếp theo sẽ sớm xúc tiến các công tác nội bộ và pháp lý cuối cùng để chuẩn bị cho việc ký FTA Việt Nam - Israel dự kiến ngay trong năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE cũng đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA).
Bộ Công Thương cũng đang thúc đẩy đàm phán các FTA mới như FTA với các nước khối MERCOSUR (bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh.
Thời gian không đợi chúng ta, cơ hội không đợi chúng ta, càng không tự đến với chúng ta. Tình hình đã và đang đòi hỏi những hành động kịp thời, quyết liệt bằng tinh thần chủ động, sáng tạo. Đó cũng chính là tâm thế hành động của Bộ Công Thương trong một năm mang tính bản lề như năm 2023 này.