Bình Thuận: 100% xã đạt Tiêu chí số 4
Thành công bước đầu
Góp sức cùng các sở, ngành khác trong tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Sở Công Thương Bình Thuận đã sớm hoàn thành các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn. Cụ thể, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nâng cấp, cải tạo, duy trì và giữ vững Tiêu chí số 4 tại 49 xã đã đạt chuẩn NTM. Riêng trong năm 2018, Sở đã phối hợp thẩm tra và xác nhận đạt Tiêu chí 4 cho 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh. Đến nay, Bình Thuận có 96/96 xã đạt Tiêu chí số 4, hoàn thành 100% xã đạt chuẩn tiêu chí điện nông thôn trong xây dựng NTM. Tỉnh cũng đã có 5/8 huyện được xác nhận đạt tiêu chí 4 điện trong Bộ tiêu chí NTM.
Là đơn vị thực hiện các dự án điện, những năm qua, ngành điện Bình Thuận đã tranh thủ rất nhiều từ các nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (kFW), vốn khấu hao ngành điện để đầu tư cấp điện trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011 - 2018, ngành đã đầu tư xây mới, cải tạo lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh 1.277 tỷ đồng, chưa kể vốn đầu tư rất lớn để phát triển lưới điện 110kV, 220kV. Riêng trong năm 2019, ngành điện đã thực hiện đầu tư với quy mô 168km đường dây 110kV, 75,4km đường dây trung thế, 244,7km đường dây hạ thế, 11.008kVA dung lượng trạm biến áp và 5MW nguồn diesel, với tổng mức đầu tư 671 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư lưới 110kV giải phóng công suất điện mặt trời 310 tỷ đồng, cấp điện vùng trồng thanh long 66 tỷ đồng, mở rộng nguồn điện huyện đảo Phú Quý từ nguồn vốn vay ODA 157 tỷ đồng…. Trong năm 2019, Công ty Điện lực Bình Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh với mức tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm 7,99%, đạt 2.518 triệu kWh. Về cấp điện cho huyện đảo Phú Quý, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và duy trì ổn định 24/24 giờ, sản lượng điện sản xuất phát lên lưới năm 2019 đạt 20,9 triệu kWh, tăng 15,49% so với năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành điện vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư và cung cấp điện. Cụ thể, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 chưa được bố trí vốn để thực hiện, nên công tác đầu tư cấp điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong các năm tới sẽ rất khó khan. Trong năm 2020, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ ưu tiên bố trí vốn để triển khai dự án lưới điện 110kV, giải phóng công suất các nhà máy điện mặt trời. Do đó, việc bố trí vốn đầu tư phần lưới điện trung hạ thế để cấp điện trên địa bàn rất hạn chế…
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, dù ngành đã rất nỗ lực phối hợp triển khai hỗ trợ các địa phương thực hiện Tiêu chí số 4, tuy nhiên, do nguồn vốn được bố trí còn thấp so với dự toán công trình điện, bình quân chỉ chiếm khoảng 10%, rất khó cho các xã thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chậm so với kế hoạch.
Đầu tư hơn 700 tỷ đồng cấp điện nông thôn
Về bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia để giải quyết nhu cầu cấp điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, dự án này thuộc danh mục đầu tư từ Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, theo cơ chế quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện với tổng mức đầu tư được duyệt 734,275 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 624,134 tỷ đồng (85%); vốn của EVN tự cân đối 110,141 tỷ đồng (15%). Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình điện nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn chế nên dự án chưa có trong Danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020.
Dự án tiếp tục được tổng hợp trong danh mục đầu tư từ Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, theo Quyết định số 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tổng mức đầu tư 734 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ là 624 tỷ đồng; vốn của EVN tự cân đối 110 tỷ đồng).
Tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các bộ liên quan. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung hạn, kế hoạch hàng năm của chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vận động các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hàng năm để thực hiện. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương huy động nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư các dự án thành phần trong chương trình.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm việc cụ thể với các bộ để rà soát, tổng hợp bố trí vốn thực hiện dự án theo quy định. Bộ Tài chính sẽ phối hợp tổng hợp, cân đối, bố trí vốn đầu tư trung hạn và hàng năm thực hiện dự án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Sở Công Thương Bình Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh duy trì 5 huyện đã đạt Tiêu chí số 4 và hoàn thành thẩm tra, công nhận cho 3 huyện còn lại đạt tiêu chí điện huyện nông thôn. |