Nghị quyết số 106/NQ-CP đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 300 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả Bàn giải pháp hoàn tất chuyển đổi Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên cả nước |
Ông Mai Hùng Dũng - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - vừa ký ban hành Kế hoạch số 5346 triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa |
Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm mục tiêu phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với đó, ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn. Đồng thời góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2025, tỉnh Bình Dương phấn đấu xây dựng ít nhất từ 5 mô hình điểm về hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, qua đó nhân rộng học tập trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa |
Đến năm 2025, tỉnh Bình Dương phấn đấu có khoảng trên 60% hợp tác xã nông nghiệp đủ điều kiện phân loại hoạt động hiệu quả đạt loại khá, tốt trở lên; xây dựng ít nhất từ 5 mô hình điểm về hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, có doanh thu cao, để qua đó nhân rộng học tập trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 10% so với cùng kỳ; doanh thu tăng ít nhất 10% so với cùng kỳ; khoảng 30% hợp tác xã nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 40% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và 50% số hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử…
Về giải pháp thực hiện, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã đến các cấp ủy đảng, địa phương, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nhằm nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Bình Dương hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã nông nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong nước để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Minh |
Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Cùng với đó, tăng cường công tác phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả, gắn kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; làm chủ thể sản phẩm OCOP, chủ sở hữu thương hiệu và kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản.
Bình Dương hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Minh |
Đáng chú ý, kế hoạch này cùng nhấn mạnh đến việc xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương.
Theo đó, mỗi huyện, thành phố cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng ít nhất từ 1 mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động có hiệu quả gắn với các sản phẩm chủ lực, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn...
Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý hợp tác xã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Tỉnh sẽ hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; chi hỗ trợ sản phẩm đạt chứng nhận OCOP... theo kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Dương…