Bình Dương: Dành 2.750 tỷ đồng dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Chiều ngày 25/12, tại Hội nghị giao ban báo chí và thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết, hiện nay địa phương đã có kế hoạch nhằm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất tiêu dùng của nhân dân trong những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời, đơn vị cũng có biện pháp hạn chế tốc độ tăng giá, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, cũng như triển khai thực hiện các giải pháp điều hành thị trường, dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và bà Trương Thị Bích Hạnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị |
Đến nay, có 17 đơn vị tham gia dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2025 bao gồm: Lương thực (gạo, nếp,…); thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo,…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả)... ước tổng trị giá hàng hóa dự trữ cả năm 2025 là 13.725 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và thiết bị y tế phòng chống dịch) tăng 15,5% so với kế hoạch năm 2024.
Trong đó giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán 2025 là 2.750 tỷ đồng tăng 17,9% so với kế hoạch năm 2024. Dự trữ hàng hóa tại các chợ dự kiến 248 tỷ đồng tăng 4,8% so với kế hoạch năm 2024.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ năm 2025 tại hội nghị |
Đối với mặt hàng xăng dầu, bà Nguyễn Thanh Hà thông tin thêm: Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP và Công ty Xăng dầu Sông Bé TNHH MTV cam kết đảm bảo sản lượng, cung ứng xăng dầu cho tất cả các đại lý của công ty trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán (tăng từ 10-15% so với ngày bình thường). Duy trì bán hàng tại hệ thống các hàng, đại lý phục vụ người dân trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa;
Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết tập trung, nghiêm túc thực hiện dự trữ hàng hóa và tổ chức bán hàng bình ổn thị trường gắn kết với các phiên chợ vui của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, với giá cả luôn thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường theo từng thời điểm; hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường đảm bảo chất lượng, do các doanh nghiệp sản xuất trong nước cung cấp; đảm bảo thời hạn sử dụng.
Đồng thời, chủ động lực chọn, đăng ký bán hàng lưu động bình ổn thị trường; cũng như bố trí gian hàng bình ổn thị trường; treo băng rôn khẩu hiệu bình ổn thị trường. Thông báo giá bán hàng bình ổn thị trường thiết yếu với Sở Tài Chính, Sở Công Thương và thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bà Nguyễn Thanh Hà thông tin thêm: Sở phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều trong dịp Tết; phối hợp kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; kiểm tra việc đo lường hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa của các cơ sở bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất hàng hàng hóa kinh doanh bằng hình thức đa cấp và hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất làm ăn chân chính.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp, qua đó đảm bảo dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Saigon Co.op, MM Mega Market, AEON, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Central Retail… cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng dự trữ tăng từ 10-25% để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. |