Bình Dương: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán
Cụ thể, ngành Công Thương phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng cuối năm, đồng thời chủ động mọi phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thị trường cung cầu hàng hóa càng về cuối năm càng trở nên nhộn nhịp và sôi động…
AEON Việt Nam tại Bình Dương sẵn sàng phục vụ khách hàng trên sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng ứng dụng AEONSHOP |
Nguồn cung dồi dào
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là toàn dân được đón Tết cổ truyền dân tộc, không khí mua sắm Tết ở Bình Dương càng thêm sôi động hơn hẳn mọi ngày.
Dạo vòng quanh siêu thị AEON Việt Nam tại Bình Dương - một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhộn nhịp dòng người đổ về đây mua sắm. Nhằm kích cầu thị trường tiêu thụ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng như: Nhóm ngành hàng điện máy, đồ gia dụng; nhóm ngành hàng may mặc, giày dép và nhóm ngành hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đồng loạt giảm giá từ 30 - 50% hoặc có nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.
Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc vận hành AEON Việt Nam tại Bình Dương cho biết: “AEON Việt Nam phối hợp với các nhà cung cấp hoàn tất công tác quản lý nguồn dự trữ hàng hóa cung ứng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng Tết năm nay có tăng nhẹ nhưng siêu thị luôn bán hàng bình ổn giá, hàng hóa đảm bảo chất lượng, hỗ trợ người dân mua sắm Tết an toàn và tiết kiệm. Siêu thị luôn mở cửa xuyên để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ riêng cho những khách hàng bận rộn khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng ứng dụng AEONSHOP, nhân viên siêu thị sẽ giao hàng đến tận nhà”.
Siêu thị BigC Bình Dương ngập tràn các mặt hàng Tết |
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Ngành Công Thương đang phối hợp với các ngành chức năng kết nối với nhiều doanh nghiệp phân phối cung cấp nguồn hàng thực phẩm thiết yếu nhằm tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết. Mặt khác, chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp nhằm phục vụ thị trường mua sắm cho những người có mức thu nhập thấp.
"Công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết năm nay ước tính hơn 11 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và các thiết bị y tế phòng chống dịch), tăng 91% so với kế hoạch năm 2023. Dự trữ nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống dự kiến 236,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với kế hoạch. Ngoài ra, ngành Công Thương tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán", ông Nguyễn Thanh Toàn nói.
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, bình ổn giá
Tại các siêu thị Coop Mart, BigC hay các chợ truyền thống ở các địa phương như: Chợ Thủ Dầu Một (TP. Thủ Dầu Một), chợ Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), chợ Thông Dụng (phường An Phú, TP. Thuận An)… đã bày bán nhiều mặt hàng Tết như: Đèn lồng, hoa giả hay những giỏ quà Tết lung linh sắc đỏ, không khí Tết càng thêm rộn ràng.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết: “Qua khảo sát, các tiểu thương đang buôn bán tại tất cả các chợ truyền thống trên toàn địa bàn huyện dự kiến sẽ tăng cường khoảng 15 - 20% lượng hàng hóa so với ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Các nguồn hàng dự trữ chủ yếu các loại mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm chế biến và thực phẩm tươi sống”.
Tuy nhiên, sức mua sắm Tết tại các chợ truyền thống năm nay dự báo sẽ giảm nhiều so với năm ngoái. Chị Lâm Thị Như Mai, tiểu thương bán hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết, chợ Thủ Dầu Một chia sẻ: “Năm nay kinh tế khó khăn, nhiều công nhân mất việc làm nên về quê sớm, lượng khách đến đây mua sắm giảm khoảng gần 30% so với thời điểm này năm ngoái. Giá cả tuy có tăng nhẹ nhưng chúng tôi luôn bán giá bình ổn”.
Chợ Thủ Dầu Một là một trong những ngôi chợ truyền thống lâu đời và lớn nhất, sầm uất nhất tỉnh Bình Dương với khoảng 900 tiểu thương đang hoạt động kinh doanh buôn bán. Ghi nhận cho thấy, nhiều gian hàng bày bán bao lì xì, bánh mứt tết, quần áo giày dép… ngập tràn khắp khu chợ.
Những ngày giáp Tết, các mặt hàng trang sức tại chợ Thủ Dầu Một được chuẩn bị ngày càng nhiều |
Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng Ban quản lý chợ Thủ Dầu Một (TP. Thủ Dầu Một) chia sẻ: “Chúng tôi đang chuẩn bị sắp xếp, bố trí thêm các ô bán hàng ngoài trời cho tiểu thương kinh doanh dịp Tết. Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền địa phương về việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khu chợ truyền thống, chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của phường. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, test mẫu bún, bánh, mứt… trước, trong và sau Tết Nguyên đán”.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết thêm: “Để các nguồn hàng thực phẩm thiết yếu bày bán trên thị trường, đặc biệt tại các chợ truyền thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường dịp Tết. Kịp thời phát hiện và xử lý mạnh tay với các loại mặt hàng thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…”.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành Công Thương tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch rà soát, phối hợp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tổ chức các chuyến hàng về các huyện vùng xa của tỉnh và các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, đề nghị các huyện thị trong tỉnh xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các chợ truyền thống, bố trí thêm các sạp bán hàng hóa Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân…”. |