Bình Định: Tăng cường ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 20/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024, chú trọng Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất mua hóa chất sát trùng, vật tư, trang thiết bị phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh hoạ - nguồn TL |
Cùng với đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn phối hợp các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh và báo cáo đề xuất kịp thời tình hình dịch bệnh để nhanh chóng phối hợp bao vây xử lý, hạn chế lây lan diện rộng tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển tại gốc; kiểm tra hoạt động mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ, các chợ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
Theo Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định, “Trên địa bàn tỉnh này chưa xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi. Hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 711 nghìn con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2024. Dù chưa ghi nhận ổ dịch, tuy nhiên mầm bệnh các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn tồn tại trong môi trường; trong khi đó, kết quả tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi chưa đạt tỷ lệ”. Thêm vào đó, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến bất thường, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển, và dẫn đến phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nguy cơ dễ tái phát dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch (nếu có), không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.