Giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng |
Tối 27/8, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Điều hành dự án Oprea “Công nữ Anio” tổ chức sự kiện truyền thông dự án Opera “Công nữ Anio”.
Dự án Opera “Công nữ Anio” do Ban điều hành “Công nữ Anio” (gồm Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến giao lưu quốc tế NPO) phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Dự án là một trong những họat động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, được tổ chức nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu và hữu nghị Việt – Nhật, phát triển nền văn hóa âm nhạc của hai quốc gia.
Trình diễn đoạn trích Aria “đàn bầu” trong màn ba của vở Opera "Công nữ Anio", đoạn trích nói về nỗi nhớ nhà của công chúa Ngọc Hoa khi sinh sống tại Nagasaki. |
Dự án quy tụ dàn những đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ có tên tuổi của cả Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực Opera.
Dự kiến, buổi công diễn vở Opera “Công nữ Anio” tại Việt Nam sẽ được tổ chức vào tháng 9/2023, tại nhà hát Lớn Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện truyền thông, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige cho biết, “Công nữ Anio” là tác phẩm nguyên bản, có nội dung dựa trên câu chuyện lịch sử có thật, được xây dựng bởi nhóm những người Nhật Bản có cùng nhiệt huyết đang sống và làm việc tại Việt Nam. Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige cho rằng, giao lưu giữa con người với con người tiếp nối từ quá khứ trong minh chứng tiêu biểu là câu chuyện giữa Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa đã trở thành nền tảng, mà từ đó, hai nước đang cùng vun đắp nên mối quan hệ đặc biệt như hiện tại.
Theo Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige, năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam sẽ chào đón một dấu mốc lớn là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. “Nhân dấu mốc kỷ niệm 50 năm, tôi mong muốn đưa quan hệ Nhật Bản – Việt Nam lên một tầm cao mới, với bước phát triển đột phá hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới”, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige nói.
Tham dự sự kiện, ông Huỳnh Đức Trường – Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản đã có nền tảng từ lâu đời.
Việc đưa câu chuyện có thật trong lịch sử vào vở opera tạo lên một tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng hữu nghị và cầu nối văn hóa kết nối giữa 2 nước, 2 dân tộc.
“Thành phố Đà Nẵng tin tưởng dự án sẽ thành công tốt đẹp. Buổi công diễn đầu tiên vào tháng 9/2023 tại nhà hát lớn Hà Nội sẽ trở thành sự kiện ý nghĩa trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản”, Đại diện thành phố Đà Nẵng bày tỏ.
Vở Opera “Công nữ Anio” lấy mô típ từ câu chuyện có thật trong lịch sử: Mối lương duyên giữa Araki Sotaro – một thương nhân Châu Ấn thuyền vào đầu thế kỷ 17 với Công nữ Ngọc Hoa (Công chúa Ngọc Hoa) – Con gái nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Trên chuyến tàu giao thương từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam) Araki Sotaro đã gặp và nên duyên cùng công nữ Ngọc Hoa. Nhận được sự đồng ý và tin tưởng của Chúa Nguyễn, Araki Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki. Tại đây, công nữ Ngọc Hoa được người dân Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio San” và trải qua quãng đời còn lại sinh sống tại Nagasaki. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội “Nagasaki Kunchi” ở tỉnh Nagasaki (Nhật Bản).
Tại sự kiện giới thiệu, dự án Opera “Công nữ Anio” đã trình diễn đoạn trích “Aria “đàn bầu” trong màn ba của Vở”, đoạn trích nói về nỗi nhớ nhà của công chúa Ngọc Hoa khi sinh sống tại Nagasaki.