Starup trẻ Việt Nam với giày được làm từ bã cà phê và rác nhựa |
Từ những phế liệu bỏ đi, qua công nghệ chế biến của doanh nghiệp Việt, những phụ phẩm trở thành hàng hóa có giá trị cao, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Bán phế liệu thu hàng tỷ USD
Trong ngành chế biến gỗ, nếu như trước đây những phụ phẩm như mùn cưa, dăm bào… các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí và công sức để có thể xử lý, tiêu hủy, thì nay khi ngành sản xuất viên nén phát triển, những phụ phẩm này đã trở thành “mỏ vàng”.
Bẹ chuối đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu |
Ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long - chia sẻ, trước đây công ty phải tốn khá nhiều chi phí và công sức cho việc xử lý, tiêu hủy mùn cưa, dăm bào. Nhưng kể từ khi ngành sản xuất viên nén phát triển, công ty không những không tốn chi phí xử lý mà các phụ phẩm này còn mang về nguồn thu cho công ty.
“Các khoản này được đưa vào kinh phí cho hoạt động công đoàn, giúp công ty chăm sóc tốt hơn cho đời sống người lao động” - ông Thanh cho biết.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn từ 2016-2020, bình quân hàng năm Việt Nam sử dụng trên 21 triệu m3gỗ lớn để sản xuất gỗ xẻ, ván dán, ván bóc, ván ghép thanh và các sản phẩm đồ gỗ. Trong quá trình sản xuất các sản phẩm này, 40% lượng gỗ đã trở thành phụ phẩm như: Mùn cưa, dăm bào, mảnh gỗ thừa, tương đương khoảng 8,6 triệu m3. Tuy vậy từ khi viên nén gỗ nổi lên là một ngành hàng xuất khẩu có giá trị lên tới tỷ USD mỗi năm thì các phụ phẩm này đã trở thành nguyên liệu quý, được các doanh nghiệp trong ngành chú trọng khai thác.
Ước tính, cả nước hiện có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, viên nén gỗ sản xuất chủ yếu dùng để xuất khẩu, trong đó 90% xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2022, viên nén đứng thứ tư về giá trị trong 8 mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ.
Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, việc gia tăng sản xuất mặt hàng này sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong công đoạn chế biến gỗ tạo ra, góp phần bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, đây cũng là xu thế của thế giới mà các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đang phải hướng tới.
Các chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ con số 14 triệu tấn vào năm 2017. Chính vì vậy, ngoài tận dụng mùn cưa, gỗ thừa làm viên nén phục vụ xuất khẩu thì những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã sản xuất thành công viên nén từ vỏ trấu. Đáng mừng hơn, đây là sản phẩm được 2 thị trường lớn Hàn Quốc và Nhật Bản đang có nhu cầu cao bởi hai quốc gia này đang chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong giai đoạn tới.
Bẹ chuối, bã cà phê thành sản phẩm giá trị cao
Bên cạnh sự tăng trưởng thần tốc của xuất khẩu viên nén gỗ, nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác cũng đang được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với kết quả khả quan. Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Liên kết và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã thành công trong việc mở rộng chuỗi giá trị của cây chuối từ việc tận dụng hiệu quả các phụ phẩm.
Từ phế phẩm bỏ đi, Hợp tác xã Thanh Bình đã biến bẹ chuối thành sản phẩm xuất khẩu |
Cụ thể, từ những thân cây chuối bỏ đi sau khi thu hoạch, ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Thanh Bình đã làm ra sản phẩm bẹ chuối sấy khô để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ đầu năm 2021, bẹ chuối sấy khô của HTX bắt đầu được xuất khẩu đi châu Âu. Hiện tại, các khách hàng châu Âu này lại chuyển số nguyên liệu bẹ chuối sấy của ông Hùng cho các cơ sở tại Việt Nam để gia công hàng thủ công mỹ nghệ xuất đi châu Âu.
Ông Hùng cho biết, từ cây chuối bỏ đi chuyển thành bẹ chuối sấy khô của HTX Thanh Bình thì giá trị mang về chưa cao. Nhưng sau khi được sản xuất, gia công thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thì giá trị mang về tăng lên rất nhiều. Do đó, ông Hùng cũng đang ấp ủ dự định sẽ phát triển lực lượng lao động làm hàng thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối sấy khô ngay tại HTX Thanh Bình để gia tăng thu nhập cho các xã viên.
Ngoài bẹ chuối sấy khô của HTX Thanh Bình, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang xuất khẩu lá chuối cấp đông sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc với số lượng lớn, nhất là trong những ngày cận Tết để phục vụ cộng đồng người Việt ở các quốc gia này gói bánh dịp Tết. Ông Lê Xuân Cừ - Giám đốc Công ty Trúc Lâm Phát kể, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 20-30 tấn lá chuối cấp đông với giá trị dao động từ 650 triệu đến khoảng 900 triệu đồng tới các thị trường Mỹ, Hàn Quốc để phục vụ cộng đồng người Việt nơi đây.
Hay với vỏ cà phê - lâu nay vẫn được xem là phế phẩm sau vụ thu hoạch, bà con nông dân thường đổ bỏ trong vườn cho tự hoai mục, hoặc chế biến làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, những người nghiên cứu cà phê đã phát hiện trong vỏ cà phê chín mọng có một lượng cafein nhỏ, thấp hơn 4 lần so với hạt cà phê. Khi sấy khô, phần vỏ cà phê mà nhiều người ngỡ là đồ bỏ đi này lại trở thành trà cà phê (Cascara), giúp cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường. Nắm bắt xu hướng này, nhiều năm nay Công ty CP Phúc Sinh đã tận dụng vỏ cà phê để sản xuất ra trà Cascara có giá trị rất cao.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh - cho biết, phải cần tới 5kg vỏ cà phê chín mới thu hoạch được 1kg trà Cascara nên mỗi vụ cà phê công ty thường thu mua của nông dân từ 11.000 - 14.000 tấn cà phê tươi, và sẵn sàng trả giá cao đối với những lô cà phê có nhiều quả chín. Được biết, hiện trà Cascara Blue Sơn La của Phúc Sinh được rất nhiều khách hàng châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng với giá xuất khẩu tới 99 USD/kg. Đặc biệt, khách hàng Ý coi trà Cascara như một loại nước uống “thời thượng”.