Biến động giá dầu tác động đến nền kinh tế thế giới
- Báo cáo của IEA có quan điểm giống với báo cáo ngày 11/4 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, giá dầu và lạm phát là những rủi ro lớn đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Báo cáo đã góp phần làm giá dầu thô ngày 11/4 giảm 3%, nhưng giá dầu thô Brent ngày 12/4 lại tăng lên hơn 125 USD/thùng, giữa lúc một số nhà phân tích cho rằng báo cáo của IEA ít tiêu cực hơn dự đoán.
Tuy nhiên,tại thị trường New Yooc kết thúc phiên 12/4 giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5/2011 đã giảm 3,67 USD xuống còn 106,25 USD/thùng, nâng tổng mức giảm trong hai phiên vừa qua lên gần 6%- mức giảm trong hai phiên mạnh nhất kể từ tháng 5/2010, thời điểm mà cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và khu vực Eurozone gây áp lực lên các thị trường hàng hóa. Tại thị trường Luân Đôn cùng ngày, giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn cũng giảm 3,06 USD xuống 120,92 USD/thùng
Trong khi đó, một ngày sau, ngày 13/4, tại các sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5/2011 lại biến động trái chiều quay đầu tăng 59 xu lên 106,84 USD/thùng; còn giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng 1,11USD lên 122,03 USD/thùng. Nhận định biến động này, Shailaja Nair, thuộc Công ty thông tin năng lượng Platts cho biết, thị trường hiện nay đang theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ, cho nên đây có thể là lý do giá dầu tăng trong phiên này.
Matt Smith, nhà phân tích của Công ty Summit Energy cho biết, thị trường đang chuyển sự chú ý khỏi tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vốn là nhân tố đẩy giá dầu vọt lên các mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, thay vào đó lo ngại rằng các mức giá cao chót vót đang làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với nhiên liệu này.
Trong khi IEA lại nhận định, ít có khả năng các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất trí tăng thêm sản lượng để làm dịu giá dầu bởi: “Có những rủi ro thực sự nếu mức giá dầu trên 100 USD/thùng kéo dài sẽ cản trở tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầuhiện nay”, mà thực tế nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã có dấu hiệu giảm bớt trong những tháng gần đây do giá cả tăng mạnh, song tổ chức này vẫn giữ dự báo nhu cầu trong cả năm 2011không đổi ở mức 89,4 triệu thùng/ngày, tăng 1,6 % so với năm 2010.
Ông David Fyfe- người đứng đầu bộ phận dầu mỏ và thị trường của IEA- cho biết, cơ quan này đã chú ý tới những xu hướng giảm nhu cầu tại Mỹ và khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Từ mùa thu năm 2010, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, Thái lan, Malaixia đều giảm chút ít. Tuy nhiên, sự sụt giảm này có thể được cân bằng nhờ nhu cầu cao hơn tại Nhật Bản, với mức tăng khoảng 150.000 thùng/ngày để bù cho lượng điện bị mất do sự cố hạt nhân sau động đất và sóng thần.
Thế giới hiện trong giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá, và giá dầu trong quý 1/2011 mới trên mức 100 USD/thùng. Thông thường, các nền kinh tế phải mất 6 đến 12 tháng mới cảm nhận được ảnh hưởng lâu dài của sự leo thang của giá dầu. Bất chấp những dấu hiệu sớm của nhu cầu giảm do giá dầu tăng, song còn quá sớm để có thể dự đoán thời điểm của giá dầu ngừng tăng, do bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.
Một quan ngại khác là khan hiếm nguồn cung. Sản lượng dầu mỏ toàn cầu trong tháng 3/2011 đã giảm khoảng 0,7 triệu thùng/ngày, xuống 88,27 triệu thùng /ngày, do bất ổn tại Libya. Nếu mức cung toàn cầu vẫn chỉ ở mức tháng 3 trong suốt năm 2011 thì đến tháng 12/2011, lượng dầu tồn kho củacác nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ tụt xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua.
Các số liệu của IEA cho thấy, sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPECđã tăng 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2011, lên 53,3 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, thị trường còn chịu áp lực bán ra sau khi Goldman Sachs khuyên giới đầu tư nên tiến hành chốt lời trên các thị trường hàng hóa, do giá dầu vào thời điểm hiện nay ít có triển vọng tăng cao và có thể buộc các khách hàng mua lẻ giảm mức tiêu thụ. Theo Goldman, giá dầu Brent sẽ giảm xuống 105 USD/thùng trong những tháng tới.
Giới giao dịch hiện nay đặc biệt lo ngại rằng, giá dầu tăng vọt có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi vốn đã yếu ớt của Mỹ- nền kinh tế lớn nhất đồng thời tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới. Trong báo cáo hàng tháng Cơ quan Thông tin Năng lượng của Chính phủ Mỹ ngày 12/4, ước tính giá dầu thô năm 2011 và 2012 trên thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh lên mức tương ứng 106 và 114 USD/thùng.
Trước đó, theo điều tra của Reuters thông qua 31 chuyên gia phân tích công nghiệp, dự báo giá dầu thô Mỹ trung bình năm 2011 sẽ là 96,73USD/thùng. Đây là tháng thứ năm liên tiếp, các chuyên gia phân tích tăng mức giá dầu dự báo (tăng 6,33 USD/thùng so với dự báo trước). Giá dầu Brent trung bình năm nay cũng được dự báo tăng 13,4 USD/thùng so với báo cáo trước, lên mức 104,57 USD/thùng .
Mặc dù vậy, IEA nhận định, ít có khả năng các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhất trí tăng thêm sản lượng để làm dịu giá dầu và cho rằng: “Có những rủi ro thực sự rằng mức giá dầu trên 100 USD/thùng kéo dài sẽ cản trở tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay”.
Theo đó, các chuyên gia phân tích đã nhanh chóng tăng mức dự báo do tình hình chính trị căng thẳng tại Bắc Phi, Trung Đông và dự kiến giá dầu sẽ ở ngưỡng trên 100 USD/thùng cho đến hết năm 2013.
Bạo loạn chính trị ở Libya và sự tấn công của liên quân vào lãnh thổ này đã đẩy giá dầu Brent lên mức cao nhất 2 năm rưỡi qua, đạt gần 120 USD/thùng.
Ngân hàng Societe Generale còn cho rằng, giá dầu có thể lên đến 150-200 USD/thùng nếu bất ổn chính trị tại Trung Đông bùng nổ, lan rộng. Hầu hết các chuyên gia phân tích cho rằng, diễn biến địa chính trị phức tạp tại Bắc Phi, Trung Đông và thảm kịch tại Nhật Bản vừa qua khiến cho việc dự báo giá dầu trở nên khó khăn hơn. Nhưng họ đều thống nhất quan điểm, giá dầu vẫn tăng khi nguồn cung đang có nguy cơ bất ổn định; khi Nhật Bản đang bắt tay tái thiết đất nước sau thảm họa động đất sóng thần và sẽ cần nhiều dầu hơn để sản xuất điện khi hàng loạt nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa do sự cố.
Đắc Hanh