Bí mật đằng sau nỗ lực kết nối Nga và BRICS
Hơn 20 nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế mới nổi tụ họp tại thành phố Kazan phía Tây Nam nước Nga vào ngày 22-24/10 để thảo luận về hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh. Trong vai trò nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần này, Nga sẽ tìm cách chứng tỏ với thế giới rằng họ vẫn còn nhiều bạn bè để vận động hành lang cho một hệ thống tài chính thay thế nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị trừng phạt nặng nề. Trong bối cảnh ngày càng bị phương Tây cô lập kể từ cuộc tấn công vào Ukraine.
Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo đến từ 24 quốc gia tại Kazan là cuộc họp đầu tiên của BRICS kể từ khi khối này được mở rộng bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là 5 thành viên sáng lập khối.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Ảnh: RIA |
Theo ông Jiang Tianjiao, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu BRICS thuộc Đại học Phúc Đán, thế giới đặc biệt chú ý đến Hội nghị thượng đỉnh lần này do Nga là chủ tịch của khối trong năm nay giữa lúc tình hình địa chính trị đang diễn biến căng thẳng.
“Thế giới muốn biết liệu BRICS có thể tìm được sự đồng thuận và đạt được thành tựu trong hợp tác hay không. Sau khi được mở rộng, khối này hiện có nhiều thành viên hơn với thị trường lớn hơn và dân số đông hơn. Tất cả những điều này sẽ mang lại lợi ích và cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư. Đó là lý do giải thích vì sao các quốc gia đặt kỳ vọng cao”, ông Tianjiao nói.
Ông Jean-Loup Samaan, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Trung Đông thuộc Đại học quốc gia Singapore lưu ý, Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với quản trị toàn cầu, khi Liên Hợp Quốc bị suy yếu do cuộc chiến ở Dải Gaza.
Theo ông Samaan, BRICS đưa ra lựa chọn thay thế có thể thu hút các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đang tìm cách tách mình khỏi các nước phương Tây.
“Nga sẽ tận dụng cơ hội này để phô bày các mối quan hệ đối tác quốc tế và thách thức quan điểm của phương Tây rằng Moscow bị cô lập vì cuộc chiến tại Ukraine”, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Trung Đông nhận định.
Cũng theo ông Tianjiao, Nga cần thông qua Hội nghị thượng đỉnh BRICS gửi đến thế giới thông điệp nước này vẫn ổn bất chấp các lệnh trừng phạt và cho dù cuộc chiến vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên, ông Stewart Patrick, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định: “Đối với Tổng thống Putin, Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan về cơ bản mang tính biểu tượng - đó là nỗ lực nhằm chứng tỏ với thế giới rằng bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, nước này vẫn có nhiều bạn bè trên thế giới”.
BRICS hiện đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 tại Kazan (thành phố lớn thứ 5 của Nga), quy tụ hàng chục nhà lãnh đạo các nước trên thế giới. Ảnh: RIA |
Mặc dù mỗi thành viên BRICS đều có mục tiêu riêng tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng họ vẫn thống nhất với nhau ở một điểm - đó là niềm tin vào các cấu trúc chi phối trật tự quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đang nghiêng về thế giới phương Tây.
“BRICS là nỗ lực nhằm thách thức hệ thống phân cấp cố hữu này, bao gồm cả vai trò cố hữu của đồng USD và vị thế mà các quốc gia phương Tây vẫn tiếp tục được hưởng trong các tổ chức quốc tế lớn. Trung Quốc, cũng như Nga, hi vọng phiên bản BRICS mở rộng sẽ là phương tiện để thách thức trật tự quốc tế do Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung”, ông Patrick nhấn mạnh.
Sau khi được mở rộng, BRICS hiện chiếm hơn 40% dân số thế giới và hơn 1/4 GDP toàn cầu. Mới đây, Tổng thống Putin cho biết, 34 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, gần đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Vasily Kashin, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế tại Moscow, BRICS không phải là một tổ chức chống phương Tây vì một số quốc gia thành viên bao gồm cả Ai Cập và UAE là đồng minh thân cận của Mỹ.
“BRICS giống một nhóm quốc gia có chung lợi ích liên quan đến phát triển kinh tế và quản trị toàn cầu. Cần tăng cường tính đại diện của các quốc gia không thuộc phương Tây trong các tổ chức quốc tế và hạn chế khả năng Mỹ lạm dụng vai trò trong hệ thống tài chính quốc tế để đạt được các mục tiêu chính trị và kinh tế”, ông Kashin nói.