Bị cáo Tất Thành Cang “khóc nghẹn” khi nói lời sau cùng tại tòa
Ngày 8/6, Toà án nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Tề Trí Dũng (40 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC; Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco), bị cáo Tất Thành Cang (50 tuổi, cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh) và các đồng phạm. Các bị cáo liên quan đến sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim.
Ở phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh với các luật sư bào chữa, về việc các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Tất Thành Cang không phạm tội, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng cấp sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội là có căn cứ.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, bị cáo Tất Thành Cang là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ đạo, phụ trách về chủ trương đầu tư các dự án. Điều này thể hiện qua việc bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy) phải xin ý kiến của bị cáo để việc chuyển nhượng được thực hiện.
Việc các luật sư cho rằng, Tờ trình 12A là giả, theo Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, trong Tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy xin ý kiến bị cáo Cang có nêu rõ phương án 2 là phát hành 9 triệu cổ phần cho một cổ đông chiến lược, giá dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần. Bị cáo Cang đã bút phê "đồng ý" phương án 2 tại Tờ trình 1148.
Bị cáo Tất Thành Cang nhiều lần bật khóc khi nói lời sau cùng tại tòa |
Thực tế diễn biến quá trình chuyển nhượng cổ phần, Công ty Nguyễn Kim và Sadeco tiếp xúc với nhau từ tháng 11/2016. Suốt quá trình này, đều có nhắc đến việc chọn Công ty Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược để phát hành cổ phần. Việc chuyển nhượng chỉ hoàn tất khi bị cáo Tất Thành Cang bút phê “đồng ý”.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, bị cáo Tất Thành Cang đã kinh qua các chức vụ quan trọng, có kinh nghiệm. Do vậy khi triệu tập cuộc họp thông qua Tờ trình 1148, bị cáo không yêu cầu Văn phòng Thành ủy báo cáo hoặc cung cấp tài liệu về việc một cổ đông cụ thể là ai, có thực hiện đấu giá công khai hay không. Do vậy, bị cáo biết và đã quyết định nên bị cáo phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Ngay sau đó, trước khi tòa tạm nghỉ nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Được nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang cảm ơn Hội đồng xét xử đã thực hiện phiên toà dân chủ, công bằng, tạo điều kiện cho luật sư, bị cáo trình bày mọi việc. Bị cáo cũng cảm ơn Viện kiểm sát đã ghi nhận tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Tất Thành Cang nhiều lần bật khóc trong lúc trình bày: "Vụ án này xảy ra có liên quan đến bị cáo, nhưng nằm ngoài suy nghĩ và mong muốn của bị cáo. Bị cáo chỉ sai sót khi quá trình làm việc đã thiếu kiểm tra, không phát hiện kịp thời sai sót. Bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước vì đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Bị cáo xin lỗi gia đình. Việc đứng trước tòa hôm nay ảnh hưởng đến truyền thống gia đình".
Bị cáo Cang cũng bày tỏ mong muốn, sau vụ án này các cán bộ công chức vì lương tâm, trách nhiệm, vì nhân dân khi trình bày báo cáo với các cấp chính quyền cần trình bày trung thực, đầy đủ để người lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn.
Bị cáo cũng cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh bị cáo không ngại khó, ngại khổ cùng tập thể vì sự phát triển của thành phố, dân giàu nước mạnh. Chưa bao giờ giải quyết việc gì mà tư lợi cá nhân.
Bên cạnh đó, bị cáo Cang mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho bị cáo Phạm Văn Thông, cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy. Theo đánh giá của bị cáo Cang thì bị cáo Phạm Văn Thông là người tận tâm, trung thực.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đề nghị cấp phúc thẩm xem xét mức án, giảm từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Tất Thành Cang; giảm từ 6 tháng đến 1 năm tù đối với bị cáo Tề Trí Dũng cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng Giám đốc Sadeco) được VKS đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên giảm từ 6 tháng đến 1 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và giảm từ 6 tháng đến 1 năm về “tham ô tài sản”.
Ngoài ra, với bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh (cựu thành viên Hội đồng thành viên IPC), VKS đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo hưởng án treo của bị cáo.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8/1/2022, Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minhtuyên bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Tề Trí Dũng bị phạt 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 20 năm tù.