Bến Tre: Xử phạt 234 vụ vi phạm kinh doanh hàng hoá, thu phạt hơn 1,4 tỷ đồng
Ngày 8/10, Cục Quản lý thị trường /chu-de/tinh-ben-tre.topic cho biết, trong quý III năm 2024, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre khá ổn định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đa dạng, đáp ứng đủ cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán hàng cấm diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng thường xuyên thay đổi thời gian và địa điểm giao nhận hàng hóa, nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Tại một số điểm kinh doanh, thuốc lá điếu nhập lậu được trà trộn với các hàng hoá khác.
Trong quý III, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các Đội thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, kinh doanh hàng điện tử, điện gia dụng không rõ nguồn gốc, buôn bán quần áo vi phạm về nhãn hàng hoá…
Trong quý III năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre phát hiện 234 vụ vi phạm, thu phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Ảnh: Cục QLTT Bến Tre |
Còn đối với mặt hàng xăng dầu, Cục luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời giải quyết các thông tin phản ánh của người dân cũng như phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu để kiểm tra, xử lý, nhằm đảm bảo mặt hàng xăng dầu đáp ứng đủ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Cụ thể, trong quý III, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã kiểm tra 273, phát hiện và xử lý 234 vụ vi phạm, thu phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 520 triệu đồng.
Đồng thời, tịch thu và xử lý theo hình thức bán đối với các tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm với số tiền hơn 163 triệu đồng; còn 5.374 đơn vị sản phẩm vi phạm ước tính giá trị khoảng hơn 283 triệu đồng đang chờ xử lý.
Trong 234 vụ xử lý vi phạm, Cục ban hành 41 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh hàng cấm với số tiền 130 triệu đồng; 36 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh phân bón và vật tư nông nghiệp với tiền hơn 400 triệu đồng, giá trị hàng hoá vi phạm hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 vụ hàng lậu, 10 vụ hàng giả với số tiền thu phạt gần 200 triệu đồng.
Đặc biệt, Cục ban hành 81 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số tiền hơn thu phạt 300 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm là 212 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không đạt tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, Cục cũng ban hành 42 Quyết định với tổng số tiền thu phạt hơn 446 triệu đồng, giá trị hàng hoá vi phạm hơn 35 triệu đồng.
Ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Cục Quản lý thị trường Bến Tre đã thực hiện tốt với vai trò Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bến Tre.
Trong quý III, Ban chỉ đạo 389 đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát và lập biên bản 497 xử phạt về hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đồng thời, tiến hành xử lý 359 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cục cũng phối hợp với các ngành Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và Môi trường… tiến hành kiểm tra 12 vụ do các ngành chức năng chủ trì.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre dự báo, trong quý IV năm 2024, tình hình hoạt động, giá hàng hoá sẽ tiếp tục có những biến động, nhất là hoạt động về buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái kém chất lượng; vi phạm về sở hữu trí tuệ; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ còn phức tạp với phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các đối tượng tinh vi hơn, nhằm né trách lực lượng chức năng.
Do đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre chỉ đạo và đôn đốc các Đội quản lý chặt địa bàn nhằm phát hiện vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm để kiểm tra xử lý, ,nhất là kiểm tra đối với các mặt hàng thiết bị điện, quần áo may sẵn, xăng dầu, chất lượng hàng hóa, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện tốt các kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ …