Bầu cử Quốc hội Pháp bắt đầu, Tổng thống Macron đối diện với nguy cơ thất bại
Hôm nay 30/6, cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội nước này. Nhiều nhà phân tích dự báo Pháp có thể sẽ có một chính phủ cực hữu đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, báo hiệu một sự thay đổi cho Liên minh châu Âu.
Vào đầu tháng 6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến chính trường nước này chấn động khi bất ngờ giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Quyết định này được đưa ra sau khi liên minh trung dung của ông Macron bị Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đánh bại trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.
Liên minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nguy cơ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử. Nguồn ảnh: Getty Image |
Được biết, Đảng RN thuộc phe cực hữu, vốn từng bị bài trừ vì quan điểm chống người nhập cư, nhưng giờ đây lại được nhiều cử tri Pháp ủng hộ. Phát biểu với báo chí Pháp vào tuần trước, chủ tịch Đảng RN - bà Marie Le Pen tự tin khẳng định: “Chúng tôi sẽ giành được thế đa số tuyệt đối”.
Nếu RN giành được kiềm quyển soát quốc hội, nền ngoại giao Pháp có thể hướng tới một thời kỳ hỗn loạn chưa từng có, với ông Macron, người đã cam kết sẽ tiếp tục giữ chức tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2027, đối đầu ông Jordan Bardella, chính trị gia 28 tuổi thuộc đảng RN, người sẽ giữ chức Thủ tướng.
Ông Bardella cho biết ông sẽ thách thức Tổng thống Macron về các vấn đề đối ngoại. Cụ thể, ông Bardella tuyên bố sẽ giảm khoản đóng góp của Pháp cho ngân sách EU, thách thức EU về nhân sự của Ủy ban Châu Âu (EC) và đảo ngược sự thống nhất và quyết đoán của EU về các vấn đề quốc phòng.
Một chiến thắng cho Đảng RN cũng sẽ báo hiệu cho một nước Pháp không chắc chắn về chiến sự Nga - Ukraine. Bà Le Pen đã từng giành rất nhiều lời khen cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, và mặc dù Đảng RN sau đó đã cam kết rằng họ sẽ ủng hộ Ukraine, các quan chức của đảng cũng tuyên bố sẽ giảm cung cấp vũ khí cho quốc gia này.
Ai đang chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử?
Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất, Đảng RN có thể đạt tới 37% lượng phiếu phổ thông, tăng 2 điểm phần trăm so với một tuần trước. Ngược lại, liên minh trung dung của Tổng thống Macron đã giảm 2 điểm so với tuần trước, chỉ đạt mức 20%. Đối thủ của họ, Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới hiện được dự báo sẽ chiếm 28% số phiếu bầu của cử tri.
Trong một cuộc thăm dò khác của đài truyền hình BFM TV, Đảng RN và các đồng minh được dự báo có thể giành từ 260 - 295 ghế trong quốc hội mới, có khả năng cao vượt qua ngưỡng 289 ghế để đạt được thế đa số tuyệt đối, trao cho họ quyền kiểm soát quốc hội.
Chủ tịch Đảng RN Marie Le Pen cùng ứng cử viên Thủ tướng Pháp Jordan Bardella. Nguồn ảnh: Getty Image |
Tuy nhiên, việc dự đoán chính xác số ghế mà mỗi liên minh giành được trong cuộc bầu cử là vô cùng khó khăn, do hệ thống bầu cử của Pháp bao gồm nhiều vòng, và do ảnh hưởng từ số lượng và đặc điểm nhân khẩu của cử tri Pháp.
Trả lời phỏng vấn với tờ Reuters, ông Vincent Martigny, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nice & Ecole Polytechnique, nhận định rằng việc một liên minh có thể giành được đa số phiếu bầu trong vòng đầu tiên có thể xảy ra, nhưng điều đó là rất hiếm. Có khả năng cao cuộc bầu cử sẽ cần đến vòng thứ hai, trong đó, chỉ có những liên minh có hơn 12,5% lượng phiếu bầu trong vòng đầu mới được xuất hiện trên lá phiếu.
Ông Martigny nói: “Nếu có đông cử tri Pháp đi bỏ phiếu, chúng ta có thể chứng kiến 3 hoặc thậm chí là 4 liên minh đảng tham gia cạnh tranh ở vòng hai. Nếu điều này xảy ra, lượng phiếu bầu sẽ tiếp tục bị chia rẽ, và lợi thế sẽ nghiêng về phía Đảng RN”.
Trong lịch sử chính trường Pháp, mỗi khi nào phe cực hữu trỗi dậy, các phái đối lập sẽ đoàn kết và lập liên minh để ngăn chặn phe cực hữu nắm quyền, nhưng lần này điều đó khó có thể xảy ra. Hiện nay, các ứng cử viên từ liên minh của Tổng thống Macron và từ Mặt trận Bình dân Mới chưa đưa ra dấu hiệu rằng họ sẽ bỏ phiếu cho đối thủ mình để chống lại Đảng RN.
Được biết, cả Đảng RN và Mặt trận Bình dân Mới đang được hưởng lợi lớn từ sự bất bình của cử tri Pháp dành cho Tổng thống Macron, người từng hứa sẽ đem lại sự ổn định cho nước Pháp kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Macron đã có nhiều chính sách cải cách và ủng hộ doanh nghiệp, giúp nền kinh tế Pháp dần phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, cử tri Pháp cho rằng vị Tổng thống đang phớt lờ những lo ngại của họ về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi các cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ở Pháp đang ngày càng xuống cấp.