Bật cơ chế 'phòng hơn chống' trước 'bão' phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ
Hàng loạt rào cản
Dẫn số liệu mới nhất từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, tính đến tháng 7/2024, kim ngạch thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ đạt khoảng 83 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 76 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2023; nhập khẩu khoảng 7,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2023.
Trong 7 tháng năm 2024, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là máy móc thiết bị điện; thiết bị cơ khí; đồ nội thất; giày dép; quần áo; thiết bị thể thao; sắt thép; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; cà phê; trái cây...
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ các sản phẩm: bông và các sản phẩm từ bông; thức ăn chăn nuôi; máy móc thiết bị cơ khí; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; nhựa và các sản phẩm bằng nhựa; hoa quả; thiết bị y tế...
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhìn nhận, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt top đầu. “Hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh”- ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Không những vậy, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã và đang tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại 7 vụ đối với hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa |
Dù vậy, theo Thương vụ, hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều rào cản. Các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế phòng vệ thương mại cũng như chuyền tải hàng hoá.
“Hoa Kỳ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tổng số vụ việc phòng vệ thương mại từ trước đến nay do Hoa Kỳ điều tra là 66 vụ, các mặt hàng chủ yếu là thép, gỗ, sợi, sản phẩm nông nghiệp gồm tôm, cá tra, mật ong” - ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin và cho biết thêm, từ đầu năm 2024 đến nay, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại 7 vụ đối với hàng hóa Việt Nam gồm: pin năng lượng mặt trời, thép CORE, sợi, đĩa giấy, sợi... chưa kể rà soát hàng năm khoảng 20 vụ.
Cũng theo Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng, Hoa Kỳ là đối tác WTO điều tra trợ cấp nhiều nhất với 12 vụ việc (chiếm 43%) tổng số vụ việc trợ cấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù Hoa Kỳ là nước kiện trợ cấp hàng đầu trong WTO nhưng cũng là nước bị các nước khác điều tra chống trợ cấp như EU, Nhật Bản, Trung Quốc…
Nhận định về những thách thức trong các vụ phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, việc bị điều tra phòng vệ thương mại nói chung và trợ cấp nói riêng là nguy cơ luôn hiện hữu với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Và việc bị khởi kiện không chỉ riêng ở Hoa Kỳ và còn nhiều nước khác khi hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu của đối tác (EU, Úc, Canada). Dù vậy, thời gian qua một số doanh nghiệp, ngành của Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với vụ việc.
Sẵn sàng tâm thế ứng phó
Trong thời gian qua, góp phần giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ, Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng như các Hiệp hội: Hiệp hội thép, Hiệp hội mật ong, Hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam... để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bày tỏ quan điểm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Cùng với đó, báo cáo Đại sứ quán, đề xuất trao đổi ở cấp lãnh đạo đại sứ quán khi làm việc với đối tác để tăng cường hiệu ứng tác động, hỗ trợ ứng phó với vụ việc.
Ngoài ra, Thương vụ cũng luôn thăm dò, trao đổi, gặp gỡ đối tác tại Hoa Kỳ để tìm hiểu thông tin, phân tích số liệu xuất nhập khẩu để đưa ra khuyến nghị, cảnh báo doanh nghiệp như một số sản phẩm như thép, gỗ….Như số liệu ở trên, việc sản phẩm tăng trưởng nhanh trong thời gian qua sẽ là đối tượng tiềm tàng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Trong những vụ việc trợ cấp gần đây, trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, Thương vụ đã đại diện Chính phủ tham gia tham vấn với phía Chính phủ Hoa Kỳ nhằm đưa ra những quan điểm, lập luận về những cáo buộc trợ cấp của nguyên đơn nhằm mục tiểu giảm thiểu tối đa các chương trình phía Hoa Kỳ điều tra khi khởi xướng. Qua đó, giảm bớt gánh nặng chứng minh cho doanh nghiệp cũng như chính phủ Việt Nam trong các vụ việc trợ cấp.
Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tìm hiểu trước quy định pháp luật, thực tiễn điều tra của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa |
Hiện nay, phía Hoa Kỳ đã và đang củng cố công cụ phòng vệ thương mại thông qua việc ban hành hàng loạt quy định mới khiến vụ việc sẽ rất phức tạp, tốn nhiều nguồn lực và không có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới. Thêm vào đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, các Đảng phái đang tích cực thu hút cử tri thông qua việc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước và điều đó cũng có nghĩa các vụ việc sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. “Khuyến nghị đầu tiên tại thị trường Hoa Kỳ là doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Hoa kỳ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (điều tra về thiệt hại)” - Thương vụ khuyến cáo và nhấn mạnh, thông qua công tác phối hợp, nhiều doanh nghiệp trong nước đã không bị áp thuế trợ cấp/mức thuế thấp nhất trong các nước cùng bị điều tra, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng thị phần.
Đưa ra khuyến cáo cụ thể đối với doanh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tìm hiểu trước quy định pháp luật, thực tiễn điều tra của Hoa Kỳ thông qua các buổi hội thảo, đào tạo của Bộ Công Thương để có thể hình dung là quy trình điều tra, thủ tục, yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Với mục tiêu phòng hơn chống, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn chủ động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, thăm dò thông tin từ phía luật sư, chính quyền, hiệp hội Hoa Kỳ để có thể đánh giá, phân tích, đưa ra những cảnh báo với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan trong nước để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nói chung và trợ cấp nói riêng và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp/hiệp hội trong thời gian tới.