Bất chấp khó khăn, năm 2023 Vinatex đạt doanh thu hợp nhất 104,4%
Phát biểu tại sự kiện ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Năm 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt lịch sử thành lập tập đoàn, kể cả thời kỳ Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp ngành sợi là cam go nhất. Đến thời điểm hiện tại, đã có dấu hiệu sáng cho ngành may nhưng ngành sợi vẫn chưa biết điểm dừng của khó khăn.
Nguyên nhân tình trạng trên vẫn do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine; lạm phát tăng cao… khiến sức mua giảm rất sâu, thậm chí thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng. Giá đặt hàng sản xuất cũng giảm mạnh trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cung cấp thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phong trào công nhân lao động 2023 - định hướng 2024 |
Trong khi đó, chi phí tiền lương, chi phí logistics tăng cao, cộng hưởng lãi suất 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%. Tổng hợp các yếu tố đã tạo ra những yếu tố hết sức bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Tập đoàn đã linh hoạt triển khai các giải pháp trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng… kết quả đạt được ghi nhận khả quan trong bối cảnh thị trường có quá nhiều thách thức.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).
Vinatex vẫn duy trì các chương trình đào tạo nội bộ, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý từ cấp trung tới chuyên viên, trong đó có 4 chương trình đào tạo cấp Tập đoàn gồm: Chương trình đào tạo tài năng trẻ Young Talent học kỳ 2; Chương trình đào tạo nội bộ khóa 1,2 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Hội nghị Nhân sự HRM… Bên cạnh đó, năm 2023 Tập đoàn còn tổ chức 8 buổi hội thảo chuyên đề, kịp thời cập nhật thông tin thị trường, các dự báo nhanh về tình hình dệt may thế giới, các quốc gia xuất khẩu, quốc gia cạnh tranh…
Các cam kết về xanh hóa cũng đã được Vinatex tích cực triển khai. Trong đó, tập trung triển khai sử dụng năng lượng xanh, điện áp mái tại các nhà máy với hơn 25 triệu kWh đã được sản xuất và sử dụng năm 2023. Đồng thời, các doanh nghiệp ngành may đã nhanh chóng chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường… Các tiêu chuẩn về ESG (Environmental – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) đã được Vinatex tích cực triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tập trung thực hiện các cam kết và sáng kiến về ESG, xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng và người lao động, cùng với đó là tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.
Về ngành năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh rất khó dự báo bởi các yếu tố bất định diễn biến quá nhanh. Tuy nhiên, các định chế tài chính lớn đều chung nhận định, kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.
Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam.
Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023 nhưng doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…
Với cơ sở của bài học năm 2023 và các dự báo 2024, Vinatex đặt ra 5 kiên định trong thông điệp 2024 gồm: Kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Kiên định xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược: Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang Xanh.
Kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG). Kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định. Kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.
“Bên cạnh 5 kiên định là tiếp tục phát huy những năng lực mới được xây dựng, phát triển trong năm 2023, tiếp tục ứng phó một cách chủ động với diễn biến phức tạp của thị trường. Theo đó, năm 2024 vẫn sẽ là năm nhiều thách thức tiềm ẩn với các doanh nghiệp, kiên cường – dung cảm – sáng tạo –đoàn kết tiếp tục là từ khoá cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình mới”, lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh.
Bên cạnh các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, năm 2024 chăm lo đời sống người lao động tiếp tục là hoạt động ưu tiên của Tập đoàn. Tết Giáp thìn 2024, Tập đoàn dự kiến mức thưởng bình quân 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.
Bên cạnh đó, Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Tết sum vầy- Xuân chia sẻ” tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; tham gia “Chợ Tết Công đoàn” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô từ ngày 20-22/01/2024 với các sản phẩm may mặc được ưu đãi giảm giá từ 30-80%.