Thứ sáu 22/11/2024 19:11

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Sáng 8/9 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Công ước 1972; và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long (2002-2022), UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Diễn ra trong 02 ngày 8 và 9/9/2022 tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Hội thảo nhằm tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội từ 2002 đến nay; giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học hơn 10 năm gần đây, kể từ khi khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2010 đến nay) tại khu vực Chính điện Kính Thiên; trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; nghiên cứu so sánh trong nước và các nước khu vực Đông Bắc Á (kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)... trong công tác phục dựng các cung điện; tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - nhấn mạnh, hơn một nghìn năm trước, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay, được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt, lấy tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên. Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ 11 - thế kỷ 12) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 - thế kỷ 20), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, cuộc khai quật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau, khẳng định đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; đồng thời, là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật, cũng như phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

"Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010)", ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Nhằm góp phần nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu di sản, ông Trần Sỹ Thanh mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các nội dung gồm: Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng Thành - Thăng Long - Hà Nội; Phát huy giá trị di sản: thực tiễn kinh nghiệm và định hướng.

Theo ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, tại Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất.

Ông Christian Manhart cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng. Việc ghi tên Khu trung tâm của Hoàng thành vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO là một vinh dự tạo ra những cam kết và trách nhiệm mới cho tất cả mọi người.

Kết quả và khuyến nghị của hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long xây dựng kế hoạch trùng tu lâu dài cho di sản kiến trúc. Điều quan trọng là phải xem xét các tài liệu hiện có và tư vấn các giải pháp khoa học về cách thức khai quật, bảo quản và trùng tu những gì còn lại của Điện Kính Thiên và Chính điện, đồng thời bảo tồn tòa nhà Cục tác chiến”, ông Christian Manhart chia sẻ.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: UBND Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sắp diễn ra triển lãm tranh 'Tôi vẽ Hà Nội' và sự thăng hoa ngành công nghiệp văn hóa đương đại

Họa sĩ Quỳnh Thơm: Kết nối giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Sắp diễn ra Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024

Hà Nội nên có thêm Phố “Hàng Phở” hoặc Phố “Phở Gánh”

Phú Thọ: Tu bổ di tích Đình Hội

Phát huy nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Ra mắt cuốn sách ‘Logistics - Hành trình khát vọng’

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Tối nay (7/11): Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Quảng Nam: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trác

Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai, Gia Lai

Gia Lai: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch TP. Pleiku năm 2024

Anh trai vượt ngàn chông gai: Góp phần định vị điểm đến âm nhạc Việt Nam

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch điều động, bổ nhiệm loạt cán bộ

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm NSND Xuân Bắc làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Festival Ninh Bình ‘Dòng chảy di sản’: Tái hiện những mốc son lịch sử của dân tộc

Lễ cúng trăng: Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

Vì sao tỉnh Bắc Ninh bị 'tuýt còi' tổ chức hoạt động hầu đồng không đúng quy định?

Khi âm nhạc truyền thống giao thoa hiện đại: Techcombank góp phần đưa concert Việt vươn tầm thế giới