Thứ sáu 22/11/2024 00:07

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nâng cao vai trò đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khẳng định vị thế và uy tín của mình góp phần đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của mình, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn và sự phát triển ổn định hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Tính đến 30/9/2024, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho gần 8,9 triệu tỷ đồng của gần 124 triệu lượt người gửi tiền tại 1.278 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô với hạn mức chi trả là 125 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bảo hiểm tiền gửiViệt Nam thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như chi trả cho người gửi tiền khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn luôn bảo toàn và phát triển nguồn vốn để đảm bảo khả năng chi trả trong bất kỳ tình huống nào. Chính vì vậy, vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngày càng được khẳng định, thể hiện rõ nhất là Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia vào quá trình can thiệp sớm đối với các tổ chức tín dụng trong diện phải can thiệp nhằm đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ngay từ giai đoạn đầu.

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, trong những năm đầu mới thành lập, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả bảo hiểm cho hàng ngàn người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, củng cố niềm tin của người gửi tiền – người dân vào các tổ chức tín dụng cũng như chính sách Bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng với sự nỗ lực nhằm góp phần đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn không ngừng nâng cao năng lực quản lý, hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi quốc tế như Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản (DICJ) và Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC), tích cực hoạt động với tư cách thành viên Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (APRC) và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi châu Á (APRC)…, qua đó rút ra được nhiều kinh nghiệm quản lý rủi ro, đồng thời xây dựng các chuẩn mực quản lý an toàn theo thông lệ quốc tế.

Có thể nói, 25 năm qua, mặc dù còn một số hạn chế do chính sách, các quy định về bảo hiểm tiền gửi chưa hoàn thiện và đồng bộ, nhưng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, phát triển toàn diện nhằm nâng cao vị thế, uy tín trong và ngoài nước, khẳng định sự tin cậy không chỉ đối với người gửi tiền mà cả với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đạt được kết quả đó là kết tinh từ sự đoàn kết nhất trí từ cấp Ủy, Ban lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống.

Thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục có nhiều thời cơ, song cũng đối diện với không ít thách thức khi tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Vì vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần phát huy những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm những tồn tại trong thời gian qua để hỗ trợ, đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Để nâng cao vai trò trong việc đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện tốt vai trò được giao tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi, quy định chi tiết nghiệp vụ mua trái phiếu, chế độ tài chính,…

Hai là, hoàn thiện khung pháp lý và quy trình thực hiện cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, nâng cao vai trò kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhằm cảnh báo sớm, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ba là, nâng cao năng lực bảo toàn và phát triển nguồn vốn, đảm bảo nguồn lực để tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như đảm bảo chi trả cho người gửi tiền trong mọi tình huống.

Bốn là, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu quả và đồng bộ trong quản trị điều hành, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra.

Năm là, tích cực hợp tác với các tổ chức tham gia bảo hiểm trong nước và các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong thanh khoản,…; đồng thời khuyến khích các tổ chức phi ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi, từ đó mở rộng phạm vi bảo vệ cho người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hệ thống không chỉ trong các tổ chức tín dụng mà cả các tổ chức phi ngân hàng.

TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Bài viết cùng chủ đề: Tài chính ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

Triển khai xác thực khách hàng số tại các cơ sở cầm đồ ở Thành phố Hồ Chí Minh

ABBANK được vinh danh ngân hàng có Chất lượng điện thanh toán quốc tế xuất sắc 2024

Vốn cho đồng bằng sông Cửu Long: Nếu ngân hàng thương mại không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn

VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024

HDBank đạt bộ ba giải thưởng tại cuộc bình chọn 'Doanh nghiệp niêm yết 2024'

Đại hội cổ đông bất thường, LPBank chốt 3 nội dung quan trọng

Nhà băng 'tung' ưu đãi, ‘trợ lực’ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu dịp cuối năm

MSB hợp tác cùng Backbase, SmartOSC triển khai nền tảng ngân hàng tương tác

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 25 năm hành trình vun đắp niềm tin

VietinBank có thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất ngành Ngân hàng

BIDV và KIOTVIET hợp tác triển khai dịch vụ ngân hàng tích hợp

Khác biệt làm nên sức hút của các dịch vụ ngân hàng số TPBank

Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tối đa chỉ 5,25%/năm

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

Nguồn vốn tín dụng chính sách mở rộng cơ hội việc làm cho người dân

Tín dụng tăng 10% song sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu