Bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa: Giải pháp cho ngành xăng dầu khi giá thế giới biến động mạnh
Thị trường có nhiều biến số
Nhân tố khó lường nhất trên thị trường hiện tại, chính là ảnh hưởng của các lệnh cấm nhập khẩu của Hoa Kỳ và các nước châu Âu đối với ngành năng lượng của Nga. Đáng chú ý, trên thị trường đã xuất hiện các dự báo rằng giá dầu sẽ đạt 150 hay thậm chí 200 USD/thùng, do lo ngại Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ tiến hành cấm nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm năng lượng của Nga, giống như những chính sách áp dụng đối với Iran. Theo thống kê, Nga hiện đang cung cấp 7 - 8% nguồn cung dầu cho thế giới, do đó, khi tồn kho dầu đã sụt giảm 14 tháng liên tiếp, bất cứ sự gián đoạn nào xảy ra đối với sản lượng của nước này cũng sẽ khiến giá tăng vọt.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm tin tức, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam chia sẻ về các công cụ bảo hiểm giá |
Hiện tại, trải qua 5 gói trừng phạt, mặc dù mới chỉ có Hoa Kỳ đưa ra lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu của Nga, tuy nhiên, cũng chưa thể loại trừ khả năng các nước châu Âu sẽ "miễn trừ" ngành dầu khí Nga khỏi danh sách trừng phạt, đặc biệt khi Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn nào. Khi chưa có một chính sách chắc chắn, các tổ chức lớn từ EIA, IEA hay OPEC đều chưa thể đưa ra một dự báo đáng tin cậy về ảnh hưởng tới nguồn cung dầu từ Nga trong thời gian tới. Các báo cáo thị trường tháng 4 đang đưa ra một khoảng dự báo rộng từ 500.000 thùng/ngày đến 3 triệu thùng/ngày. Do đó, đây vẫn sẽ là yếu tố chủ đạo dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới. Nhất là khi OPEC vẫn đang "chần chừ" trong việc gia tăng sản lượng để bù đắp lượng thiếu hụt từ Nga. Trong tháng 3/2022, 10 nước OPEC tham gia nhóm OPEC+ chỉ tăng sản lượng khai thác thêm 79.000 thùng/ngày, so với mức cam kết tăng 253.000 thùng/ngày. Trường hợp không tìm ra được nguồn cung bổ sung, không khó để thấy giá dầu sẽ tiếp tục thách thức các đỉnh giá cũ trong lịch sử.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới cũng đang là ẩn số đối với thị trường. Đại dịch Covid-19 tưởng chừng đã được kiểm soát, lại bùng phát mạnh ở Trung Quốc, khiến cho hơn 70 trong số 100 thành phố lớn nhất ở nước này bị đặt dưới các lệnh hạn chế. Tùy thuộc vào thời gian và mức độ thực hiện các lệnh phong tỏa, nhu cầu đi lại, cũng như tiêu thụ dầu trong sản xuất có thể sụt giảm.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự thay đổi của môi trường vĩ mô. Áp lực giá cả tăng đang khiến cho các ngân hàng trung ương trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) phải tính đến phương án gia tăng lãi suất cũng như thắt chặt các gói tiền tệ để tránh lạm phát tăng quá nóng, nhất là khi chỉ số CPI, biểu thị giá cả đầu vào tại Hoa Kỳ trong tháng 3/2022 đạt mức 8,5%, cao nhất trong vòng 40 năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang cân nhắc việc tăng lãi suất. Giới phân tích nhận định, nếu như các ngân hàng trung ương quá chú trọng vào việc kiểm soát lạm phát, các chính sách tiền tệ mới có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất lẫn sức mua, và gây áp lực lên thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu nói riêng.
Công cụ giúp doanh nghiệp chủ động trước các biến động giá
Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng, giảm với biên độ rộng và ngày càng trở nên khó dự báo, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới. Theo thống kê của Sở ICE, có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường đến từ nhóm kinh doanh hàng vật chất, nghĩa là các công ty khai thác, chế biến, thương mại xăng dầu trên toàn thế giới.
Nguồn: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) |
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện đang sử dụng giá xăng Singapore là giá tham chiếu, cũng có thể sử dụng các công cụ bảo hiểm giá với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh hoặc dầu Brent trên Sở ICE, bởi chuyển động giá của hai sản phẩm này khá tương đồng. Đây gọi là phương pháp "đồng dạng" trong bảo hiểm giá hàng hóa.
Tại Hội nghị đánh giá thị trường xăng dầu đầu năm và phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2022 do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm tin tức, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có những chia sẻ về các công cụ bảo hiểm giá mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước có thể ngay lập tức sử dụng như: Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá. Trong đó, hợp đồng quyền chọn thường được các doanh nghiệp lớn coi là công cụ bảo hiểm giá tối ưu nhất bởi khả năng kiểm soát mức rủi ro tối đa, nhưng không giới hạn lợi nhuận.
Cụ thể, hợp đồng quyền chọn được chia làm hai loại là quyền chọn mua và quyền chọn bán. Người mua ở đây là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ cần bỏ ra một chi phí cố định (premium) để mua quyền (không có nghĩa vụ) thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn.
Nếu diễn biến giá bất lợi, mức rủi ro tối đa sẽ là chi phí premium, đóng vai trò là chi phí bảo hiểm giá cho doanh nghiệp. Mặt khác, nếu diễn biến giá có lợi với người mua, mức lợi nhuận đến từ hợp đồng quyền chọn sẽ không bị giới hạn, và doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định có thực hiện quyền mua hay bán trong hợp đồng hay không. Ngoài ra, mức phí bảo hiểm phải trả thường thấp hơn mức ký quỹ cần thiết để mở một vị thế hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn dầu thô.
Bên cạnh các hợp đồng tiêu chuẩn như: Dầu WTI, dầu Brent, dầu ít lưu huỳnh, xăng pha chế RBOB, khí tự nhiên, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cũng cung cấp các công cụ bảo hiểm với biên độ giá và mức ký quỹ nhỏ hơn như: Dầu Brent mini, dầu WTI mini và dầu WTI micro.
Các sản phẩm đa dạng sẽ đem lại tính linh hoạt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bởi khả năng thích ứng với nhiều chiến lược bảo hiểm giá, và phù hợp với nhiều quy mô doanh nghiệp trên cả nước.
Từ đầu năm tới nay, thị trường xăng dầu thế giới đã trải qua giai đoạn biến động mạnh nhất trong nhiều năm. Dầu Brent trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) hiện đang ở vùng giá 100 - 110 USD/thùng, tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối năm 2021 và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Khi đã ở vùng giá cao, mỗi phiên biến động 3 - 5% của giá dầu sẽ tương đương 3 - 5 USD/thùng, là mức thay đổi tuyệt đối có ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu và gián tiếp tác động đến kết quả kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trong nước. |