Báo động ô nhiễm nguồn nước từ đô thị hóa, công nghiệp hóa
Các chuyên gia chia sẻ về vấn nạn ô nhiễm nguồn nước tại hội thảo chuyên ngành “Xử lý nước và bảo vệ môi trường” |
Báo động ô nhiễm nguồn nước từ xả thải ở các KCN
Chia sẻ tại hội thảo chuyên ngành “Xử lý nước và bảo vệ môi trường” diễn ra ngày 12/12 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hùng - Phó Ban đối ngoại, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra con số báo động: Trên thế giới hiện có 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn và có tới 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước. Nếu nguồn nước không được bảo vệ, dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Và chúng ta đang phải tìm kiếm các giải pháp để cải thiện vấn đề giảm áp lực lên môi trường.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, nguồn nước đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường gia tăng liên quan đến công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Điều này xuất phát từ việc kém đầu tư trong lĩnh vực thu và xử lý nước thải đô thị, còn tại các khu công nghiệp (KCN) thì chỉ có 88% KCN có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ 71% nước thải trong các KCN này được xử lý, phần còn lại được xả thải trực tiếp ra môi trường. Nếu chúng ta không làm gì để giảm những rủi ro này thì sẽ khiến GDP của Việt Nam giảm đi khoảng 6% vào năm 2035.
Về vấn đề này, TS Tăng Văn Tài - Khoa Môi trường và An toàn Lao động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng - cho biết, khi các KCN “mọc lên” nhiều hơn đồng nghĩa với việc có thêm nhiều doanh nghiệp trong các ngành đến Việt Nam đầu tư mở nhà máy sản xuất… Kéo theo đó là khối lượng lớn nước thải sẽ xả ra môi trường. Ông Tài dẫn chứng trường hợp của nhà máy thép Formosa vô tình tràn ra biển làm ô nhiễm hơn 200 km bờ biển và làm chết hơn 100 tấn cá. Tới nay dù nhà máy này đã có khắc phục nhưng những hậu quả trước đó vẫn còn ảnh hưởng nhất định tới môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Tài, vẫn có những doanh nghiệp có sự đầu tư trong việc xử lý nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường, và Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam là một ví dụ tích cực.
Theo đó doanh nghiệp này đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24. Các số liệu liên tục được cập nhật (trung bình 5 phút 1 lần) và được truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang DONRE để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường.
Tìm kiếm giải pháp xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường là vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm. Ảnh minh họa |
Tìm kiếm các giải pháp xử lý nước qua triển lãm
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước gia tăng và phần lớn doanh nghiệp Việt lại là doanh nghiệp nhỏ, yếu tài chính nên việc tìm kiếm các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, hiệu quả với giá thành hợp lý là điều mà họ quan tâm.
Xuất phát từ thực tế này, ông Nguyễn Bá Vinh - Giám đốc Công ty triển lãm Minh Vi cho biết, doanh nghiệp này đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp xử lý nước và bảo vệ môi trường (Clean Water Vietnam 2020) vào ngày 17 – 19/6/2020 tới. Tại đây các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới sẽ đem các giải pháp, công nghệ và sản phẩm tân tiến trong lĩnh vực xử lý nước thải của thế giới đến với thị trường Việt Nam.
Theo ông Vinh, Clean Water Vietnam 2020 dự kiến thu hút khoảng 100 doanh nghiệp trưng bày các thiết bị, công nghệ và giải pháp ngành nước công nghiệp, xử lý nước thải, tái chế, tái sử dụng, thủy lợi, lọc nước, quản lý tài nguyên nước,...
Việc tổ chức Clean Water Vietnam 2020 được giới chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo cầu nối hợp tác, thúc đẩy lĩnh vực xử lý nước và bảo vệ môi trường tại Việt Nam phát triển hơn.