Báo động nạn câu like kiếm tiền bẩn trên MXH: Bài 2 Bác sĩ “ma” và các ổ hàng giả
Giả danh bác sĩ, dược sĩ để dọa người bệnh
Người Việt chúng ta quan niệm: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Nhờ vào tư duy dễ dãi đó, không ít kẻ bất lương đã tự xưng là chuyên gia, thần y, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, lợi dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng các loại thực phẩm chức năng; giả danh bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia để đe doạ, trục lợi trên sức khỏe người bệnh.
Mới đây nhất, tháng 4/2023, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã 2 lần có công văn gửi Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), đề nghị xử lý một nhóm giả mạo chuyên gia tổ chức bán thực phẩm chức năng có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Mặc dù chỉ là thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ, song quá trình hoạt động, một số nhóm đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội đăng tin thổi phồng công dụng; gọi điện dọa dẫm bệnh nhân; hạ thấp thuốc tây, thuốc nam.
Vẫn theo Cục An toàn thực phẩm, từ ngày 17/1/2023 đến 18/5/2023, đơn vị đã lập hồ sơ, xử lý 10 đơn vị vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó có 4 đơn vị vi phạm về quảng cáo. Từ ngày 20/9/2022 đến ngày 16/1/2023, lập hồ sơ, xử lý 10 đơn vị, trong đó có 6 đơn vị vi phạm về quảng cáo. Ngoài xử phạt về tiền, tất cả các công ty vi phạm đều buộc phải cải chính thông tin; tháo, gỡ toàn bộ các quảng cáo vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện gặp khó khăn do các vi phạm về quảng cáo các sản phẩm này, đặc biệt trong môi trường mạng, trên các website, trang thương mại điện tử... do máy chủ được đặt tại nước ngoài khó kiểm soát, khó xử lý vi phạm.
Đơn cử, trong thông báo được phát đi vào ngày 27/6/2023, Cục An toàn thực phẩm cho biết, đã phát hiện đường link https://mypharma.vn/san-pham/reishi-kids-protect-neo/, https://minizon.vn/san-pham/tang-de-khang-reishi-kids-protect-neo-kids/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe REISHI KIDS® PROTECT vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Tại buổi làm việc ngày 14/6/2023, đại diện Công ty TNHH NEOVITAL Việt Nam (địa chỉ: Số 30, khu giãn dân Đa sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là đơn vị sở hữu Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm khẳng định đến thời điểm hiện tại công ty không thực hiện, không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân nào quảng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe REISHI KIDS® PROTECT tại các đường link nêu trên.
Danh sách cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm từ 17/1/2023 đến 18/5/2023. |
Một trường hợp khác là việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe HYPERCARE do Công ty TNHH Nature Origin, địa chỉ: Tầng 2, tòa nhà HKL Building, số 154-156 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Qua công tác hậu kiểm quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm phát hiện tại các đường link: https://knutimes.com/hypercare/?gclid=EAIaIQobChMI3K6g5vXn_gIVmssWBR35ZAEgEAAYASAAEgKef_D_BwE; https://www.cdprg.org/hypercare/; https://nhipdapsuckhoe.com/hypercare/... thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HYPERCARE vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh bác sỹ, ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm vào ngày 8/6/2023, đại diện Công ty TNHH Nature Origin cũng khẳng định công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe HYPERCARE tại các đường link nêu trên.
Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý các trường hợp theo quy định hiện hành. Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Kênh tiêu thụ chính hàng giả, hàng vi phạm
Không chỉ bán rẻ lương tâm, trục lợi trên sức khỏe người bệnh, trên các nền tảng xuyên biên giới còn là một mặt trận nóng bỏng về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Trung tuần tháng 6/2023, Cơ quan điều tra đã lần đầu tiên khởi tố một vụ án kinh doanh hàng giả trên không gian mạng do lực lượng Quản lý thị trường phối hợp, phát hiện và xử lý.
Theo đó, ngày 6/6/2023, sau thời gian dài theo dõi việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại điểm kinh doanh hàng hoá tại địa chỉ tầng 4, tòa nhà Time Coffee , số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH SUPHARMCO. |
Qua kiểm tra, phát hiện có 12 nhân viên đang thực hiện hoạt động kinh doanh: Đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh được thực hiện chủ yếu trên mạng xã hội với tài khoản “Viên sủi Lady – chính hãng”. Hàng hoá tại thời điểm kiểm tra gồm 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực (20 viên/hộp), có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH SUPHARMCO.
Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng còn phát hiện một nam thanh niên đi xe moto đứng tại Cổng chào khu đô thị Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) trên xe có một thùng carton có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra thực tế, hàng hóa trong thùng chứa 30 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady không có hóa đơn chứng từ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH SUPHARMCO. Người vận chuyển khai, nhận số hàng trên tại địa chỉ tại Tòa nhà Time coffee để giao cho khách hàng.
Nhận thấy vụ việc kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên có dấu hiệu tội phạm về buôn bán hàng giả là thực phẩm, Đội Quản lý thị trường số 24 đã bàn giao lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và hiện trạng hàng hóa tại điểm kinh doanh cho Cơ quan CSĐT, Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Tại tỉnh Gia Lai, ngày 23/6/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã quyết định xử phạt hành chính một hộ kinh doanh có H.H.H (đường Lê Đại Hành, phường Đống Đa, TP Pleiku) số tiền 50,5 triệu đồng, do có hành vi livestream bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu qua mạng xã hội…
Đây chỉ là một vài dẫn chứng những vụ việc vi phạm trong kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, các sàn giao dịch TMĐT như: Lazada, Shopee, Tiki… thu hút rất nhiều người dân mua hàng thường xuyên; hình thức bán hàng livestream trên những mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram và gần đây nhất là Tiktok trở nên phổ biến với không ít sản phẩm là hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch TMĐT bây giờ được đánh giá là kênh tiêu thụ chính hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả, mặt trận rất nóng bỏng, có lẽ phải đến 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay được tiêu thụ, mua bán trên mạng”, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.