Thứ sáu 08/11/2024 06:26

Báo điện tử Chính phủ đánh giá cao việc phát triển thị trường xuất khẩu mới của Bộ Công Thương

“Xuất khẩu nông sản lập đỉnh, mở rộng thêm các thị trường mới” là một trong 10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Báo điện tử Chính phủ vừa lựa chọn và giới thiệu 10 thành tựu, dấu ấn tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023.

Ảnh minh họa

Những kết quả, thành tựu đó đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc, giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Trong 10 dấu ấn tiêu biểu của kinh tế - xã hội năm 2023, một trong những thành tích của ngành Công Thương được nhắc đến đó là “Xuất khẩu nông sản lập đỉnh, mở rộng thêm các thị trường mới”. Đây là dấu ấn thứ 5 trong 10 dấu ấn được Báo điện tử Chính phủ đề cập và lựa chọn.

Theo Báo Điện tử Chính phủ: “Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục.

Cụ thể, nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. Có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD gồm: Cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục và vượt xa kỳ vọng ban đầu “cả năm 4 tỷ USD”. Trong 11 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập kỷ lục với hơn 7,7 triệu tấn gạo cho giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái. Hạt gạo Việt đã vượt qua các đối thủ để giành vị trí số 1 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA) với Israel, đến nay, Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA, đang tiếp tục đàm phán 3 FTA nữa là Việt Nam-EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN-Canada, và Việt Nam-UAE”.

Những dấu ấn của ngành Công Thương được lựa chọn đưa vào 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2023 cũng chính là những sự kiện, những kết quả nổi bật nhất của ngành đã được Bộ Công Thương công bố hôm 20/12/2023.

Nỗ lực gỡ khó để mở rộng thị trường xuất khẩu

Kết thúc năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Có thể nói, những kết quả này đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và của cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật trong đó là công tác đàm phán mở cửa thị trường.

Như với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã chủ động trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này. Tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Tại đây, Bộ trưởng đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sang thị trường Trung Quốc, góp phần cải thiện tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Tiếp đến, cuối tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam - Trung Quốc” nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Và gần đây nhất, ngày 9/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, nhằm đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, các hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường ở đây không chỉ là mở rộng thị trường mới mà ngay cả những thị trường chúng ta đã đặt chân vào, chúng ta vẫn phải tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường đó.

Với những nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp, năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước ngày càng thể hiện được sự đa dạng hóa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... các thị trường mới, thị trường ngách cũng được đẩy mạnh khai thác và khai thác tốt, có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trong bối cảnh hầu hết các khu vực thị trường đều suy giảm như khu vực châu Phi (tăng 5,7%), khu vực Trung Đông (tăng 1,7%)...

Thúc đẩy đàm phán ký kết các FTA mới

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023, các đơn vị chức năng của Bộ đã đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó, có 6 đối tác chiến lược toàn diện, 18 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện) và có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bên cạnh các thị trường truyền thống, năm 2023, ngành Công Thương đã thúc đẩy, đàm phán tiến tới ký kết các FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR), UAE và Canada... để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Đây được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Công Thương trong năm 2023.

Như với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (FTA Việt Nam - EFTA), cho đến nay, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn và cấp kỹ thuật. Hiện tại, hai bên đã xác định được các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của Hiệp định như thương mại hàng hóa, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục thúc đẩy việc nối lại đàm phán và nỗ lực xử lý những vấn đề còn tồn tại để có thể sớm kết thúc đàm phán trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai phía.

Mặt khác, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA. Thông qua VIFTA, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu...

Bộ Công Thương cho rằng, những năm gần đây, các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Khánh An
Bài viết cùng chủ đề: Ngành Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ Cuba Hernandez Guillén đến chào từ biệt

Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sự cố máy bay Yak-130: Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi thư khen hai phi công bản lĩnh, tự tin

Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ

Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 2 giữa Trung tướng Phạm Hồng Chương và Thiếu tướng Trần Văn Bắc

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024) - Cuộc cách mạng của nhân dân

Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư

Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Quảng Tây, Trung Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, thăm chính thức Chile và Peru

Tại sao cơ sở tư nhân mua được thiết bị y tế rẻ hơn cơ sở công lập?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến về các dự án lưới điện

Rút ngắn thời gian trong triển khai thực hiện dự án đầu tư công

Luật Đầu tư công (sửa đổi): 'Nóng' vấn đề phân cấp, phân quyền

Đại biểu băn khoăn về thời hạn cấp giấy phép khai thác khoáng sản

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng