Báo chí và doanh nghiệp: Tương hỗ, không thể tách rời
Đánh giá về mối quan hệ gắn bó mật thiết của báo chí và doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - khẳng định, báo chí và doanh nghiệp đã có sự đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển cũng như vượt qua các biến động của đời sống kinh tế, xã hội.
Chính sự gắn kết mật thiết ấy đã mang lại những tác động tích cực cho hai bên nhất là trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập với thế giới. Trong đó, đối với doanh nghiệp, theo ông Tô Hoài Nam, báo chí, nhất là các tờ báo kinh tế lớn như Báo Công Thương đã giúp doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa dịch vụ, lan tỏa thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là sản phẩm từ các đổi mới, sáng tạo. Báo chí đồng thời là kênh cảnh báo về các nguy cơ, vi phạm trong kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời để tránh các rủi ro.
Đặc biệt, ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, giao thương đứt gãy cộng đồng doanh nghiệp coi báo chí là kênh thông tin chính thống, tin cậy nhất về dịch bệnh, các quyết sách hỗ trợ của nhà nước, cũng như các chương trình mục tiêu về thực hiện thích ứng linh hoạt sau đại dịch. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp nắm bắt tình hình, kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp và vững vàng vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Chèo chống một doanh nghiệp dịch vụ vượt qua đại dịch Covid-19, ông Phạm Hà - CEO Lux Group - bày tỏ, báo chí đã có tác động rất lớn đến doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kinh doanh chưa từng có này. Theo ông, nhiều tờ báo, trong đó có Báo Công Thương với nguồn thông tin nóng, hay, nhanh, chuyên sâu về kinh tế đã tiếp sức rất lớn cho doanh nghiệp.
Cũng như doanh nghiệp, báo chí đang đứng trước đòi hỏi, yêu cầu mới để bắt kịp với xu thế phát triển của đời sống kinh tế, xã hội. Thời gian qua, theo ông Tô Hoài Nam, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự thay đổi, thích ứng linh hoạt của báo chí để đáp ứng nhu cầu thông tin của doanh nghiệp, người dân. "Là độc giả của Báo Công Thương, tôi thấy không chỉ báo điện tử mà ngay cả báo in truyền thống đã kịp thời thay đổi diện mạo, đa dạng hóa loại hình phản ánh, nhờ đó mang lại nguồn thông tin hữu ích, tác động rõ nét đến đời sống kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp" - ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, nhu cầu thông tin của doanh nghiệp ngày càng khắt khe hơn, do đó cũng đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với báo chí. Ông Phạm Hà cho rằng, báo chí và doanh nghiệp như đường hai chiều trên xa lộ thông tin, doanh nghiệp cần báo chí truyền tải thông tin những vấn đề, khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải trong thực tiễn; đồng thời, cần phản ánh những vấn đề về thương trường vừa nóng bỏng, chính thống, vừa mang tính chuyên sâu, đa chiều.Dù nhiều áp lực nặng nề, song ông Tô Hoài Nam chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp luôn kỳ vọng báo chí sẽ tiếp tục là cầu nối, là người đồng hành với doanh nghiệp, thông tin kịp thời các chủ trương phát triển kinh tế của nhà nước; đặc biệt, doanh nghiệp cần nhiều hơn những bài viết đấu tranh, bảo vệ sự đúng đắn trong kinh doanh, chống lại các tiêu cực của thị trường cũng như tình trạng lợi dụng chức quyền làm khó doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường phản ánh hơn nữa các đề xuất kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính để môi trường kinh doanh được thuận lợi hơn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) - cho rằng, việc báo chí hiểu sâu về doanh nghiệp luôn là nguồn cổ vũ rất lớn đối với cộng đồng kinh doanh. Mặt khác, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, doanh nghiệp luôn coi thông tin tích cực từ báo chí là cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ và khách hàng. Qua báo chí, tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ được biết đến một cách minh bạch, rõ ràng hơn.