Báo chí và doanh nghiệp: Gần nhau hơn trong đại dịch
Tương trợ kịp thời
Với vai trò Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam thường xuyên bị phóng viên “đeo bám”, “săn” thông tin khi có những vấn đề “nóng” liên quan đến DN. Nhưng không vì thế mà ông né tránh báo chí mà ngược lại, còn nhiệt tình hợp tác và có trách nhiệm trong cung cấp thông tin khi phóng viên cần.“Dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, ngoài công việc chuyên môn, tôi lại thêm việc khác, đó là trả lời các cuộc phỏng vấn qua email, zalo, viber với phóng viên. Bận rộn, nhưng tôi rất xúc động, biết ơn vì báo chí đang quan tâm, hướng về cộng đồng DN” - ông Nam bày tỏ.
Trải qua liên tiếp các làn sóng dịch Covid-19, cộng đồng DN nhỏ và vừa gần như không còn sức để chống chịu, nhiều DN đã phá sản. Thực tế này, theo ông Tô Hoài Nam, được báo chí theo sát, phản ánh chân thực nhất sức khỏe của DN. Không chỉ vậy, báo chí còn tìm hiểu các giải pháp ứng phó về kinh doanh, bán hàng, sản xuất của DN để tuyên truyền cho các DN khác cùng học hỏi. Đặc biệt, báo chí luôn “dành đất” để đăng tải thông tin đa chiều về chính sách, các cơ chế, nhất là gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm tiếp sức cho DN vượt qua “giông bão”. Chính điều này đã giúp DN và báo chí gần nhau hơn trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ chính sách thu hút đầu tư của địa phương |
Ngành kinh tế xanh vốn là lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Những “sóng gió” của DN du lịch luôn được báo chí theo sát, phản ánh sống động, như lúc DN hồ hởi vào mùa kinh doanh hay đảo chiều rơi xuống đáy khi làn sóng dịch trở lại; các CEO vật lộn chuyển nghề làm shipper, buôn nông sản, bán bia, sản xuất khẩu trang… Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Marketing TST Tourist - nhấn mạnh, trong giai đoạn Covid-19, sự “hiệp đồng” giữa báo chí, cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng/bạn đọc và DN có sự gắn bó mật thiết, hiệu quả hơn bao giờ hết. Tiếng nói của DN được đội ngũ phóng viên lắng nghe, đồng cảm và phản ánh trung thực, kịp thời và tháo gỡ nhiều mối lo lắng cho DN.
Vừa mới thành lập thì đại dịch Covid-19 ập đến, Hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu đứng trước thách thức trong triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường, xuất khẩu cho DN khi giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Để có được nguồn thông tin chính thống, chuẩn xác, kịp thời về hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, hội xác định, báo chí luôn là kênh cung cấp uy tín, hỗ trợ quan trọng đối với DN. Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu - cho biết, giao thương xáo trộn, nhờ báo chí chủ động cung cấp các thông tin nhanh nhạy, đã giúp ích rất lớn cho DN tìm hiểu, đánh giá tình hình thị trường trong nước và quốc tế để có những bước đi phù hợp.
Phát huy “quyền lực mềm”
DN vốn là “xương sống” của nền kinh tế, vì vậy, đối với báo chí, DN là nguồn đề tài phong phú, đa dạng trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội. Ngược lại, hầu hết DN đều khẳng định, báo chí rất quan trọng với quá trình lớn mạnh của họ. DN cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh; quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và nâng cao lợi nhuận; đồng thời là trợ lực để DN thoát khỏi khó khăn, thách thức trong đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Mẫn khẳng định, báo chí gắn liền với đời sống DN như nhu cầu thiết yếu, không thể tách rời. Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, nhiều lĩnh vực kinh doanh như du lịch dễ bị tổn thương nhất. Do đó, DN rất cần báo chí tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh, các FTA như liều thuốc cho nền kinh tế và DN trong đại dịch, do đó, DN đang rất cần báo chí cung cấp thông tin rõ nét về các FTA. Đồng thời, DN mong muốn báo chí tiếp tục phát huy cầu nối thông tin từng thị trường, đối tác thương mại của Việt Nam để DN nâng cao khả năng cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước sự phát triển của truyền thông xã hội, công nghệ số, những biến động mạnh mẽ của thị trường, để nâng cao mối quan hệ giữa báo chí và DN, đòi hỏi cả hai phải chuyên nghiệp hơn trong cung cấp, xử lý thông tin. Ông Tô Hoài Nam cho rằng, báo chí và DN phải sát lại nhau nhiều hơn trong đại dịch; người làm báo cần đẩy mạnh hỗ trợ, truyền tải quan điểm, góp ý về các chủ trương, chính sách; quảng bá thương hiệu DN... Đồng thời, “báo chí phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy quyền lực mềm trong thông tin; bám sát đời sống của DN hơn, phải “nghe bằng hai tai”, tiếp cận thông tin trung thực, chính xác, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh và làm tổn thương DN”- ông Nam nói.
Trước khó khăn mới, báo chí tiếp tục được coi là diễn đàn của DN. Qua báo chí, môi trường kinh doanh của nền kinh tế được phản ánh, là cầu nối giữa DN với Chính phủ; báo chí cũng là kênh để các DN kết nối với nhau, quảng bá hàng hóa, dịch vụ của DN |