BanLung tình người hòa quyện
Thành phố trong rừng
Những ngày cuối năm 2018, giữa một chiều cao nguyên hanh hao, gió nắng, Gia Lai đón tôi đến lần đầu. Sau một ngày làm việc với lịch trình kín đặc, chúng tôi ngỏ ý muốn trải nghiệm BanLung (Campuchia). Không ngờ, anh Thơ (người Quảng Nam) - một tài xế xe khách chạy chuyến Đức Cơ - Pleku lại rất hào hứng nhận lời.
Đúng 9h30, đoàn chúng tôi xuất phát từ TP. Pleiku rồi rong ruổi trên Quốc lộ 19. Qua cửa khẩu biên giới Lệ Thanh bằng những thủ tục đơn giản, nhanh gọn, đến nỗi hành khách dường như không có cả cảm giác... xuất ngoại.
Phút chốc, con đường sang BanLung phẳng phiu như một dải lụa mềm, uốn lượn qua những con đồi xanh thẳm cà phê, những nông trường cao su ngút ngàn hiện ra trong tầm mắt. Xanh một màu ấm no. Cảm giác đầu tiên của chúng tôi đó là thân thuộc vì phía bên kia biên giới, cảnh vật chẳng khác gì so với những cánh rừng cao su, những đồi hồ tiêu, cà phê bạt ngàn của Tây Nguyên, Việt Nam. Đẹp nhất là hai bên đường, những chùm hoa dại chỗ trắng xóa, chỗ hồng rực, tươi mới và đầy sức xuân.
Do thường xuyên dẫn khách du lịch sang Campuchia, có thể nói được cả hai thứ tiếng Việt và Campuchia, anh Thơ lái xe kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ của chúng tôi kể, trước đây, đường sang BanLung rất khó khăn, giao thông không thuận lợi. Từ năm 2007, khi khai thông cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, việc thông thương giữa hai nước được gia tăng, đoạn đường này được Chính phủ Việt Nam giúp xây dựng xong vào cuối năm 2008. Từ đó, rất nhiều thương nhân Việt Nam đã sang Ratanakiri để buôn bán, trao đổi nông sản, vật liệu xây dựng, buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. bây giờ đã hình thành khu Việt kiều với cả ngàn người dân ở BanLung. Phần lớn bà con đều cần cù, chịu khó lại gặp lúc nền kinh tế nước bạn đang phát triển nên đời sống cũng khấm khá.
Theo lời của anh Thơ, BanLung được ví là thành phố trong rừng hay rừng trong phố, bởi toàn thành phố được bao phủ rất nhiều cây xanh, cây gỗ cổ thụ, cùng với những khu rừng nguyên sinh nho nhỏ, xinh xắn ngay giữa lòng thành phố.
Tết ấm no của Việt kiều
Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là chợ BanLung, cũng không khác chợ truyền thống của Việt Nam là mấy, được chia thành các khu bán hàng riêng.
Anh Thơ giới thiệu, là tỉnh có nhiều khoáng sản quý nên chợ BanLung có nhiều hàng bày bán nữ trang làm từ vàng và đá quý như saphia, thạch anh… Chợ BanLung chủ yếu buôn bán cho người dân địa phương, nhưng sẵn sàng "ăn" các loại ngoại tệ từ Việt Nam đồng cho đến USD. Sản vật sinh động, đa dạng mà giá lại rẻ nên rất hấp dẫn khách du lịch.
Tiểu thương ở đây có người Campuchia và cả người Việt Nam. Một vài người Campuchia nói được tiếng Việt. Trong ki-ốt gần cuối chợ, chị Nguyễn Thị Phước (53 tuổi) kể: Sinh ra ở Quy Nhơn, lập gia đình ở Gia Lai, năm 1987, chị qua BanLung làm ăn buôn bán ở chợ, kinh doanh đủ các mặt hàng, từ chè, rau và hiện đang bán hàng khô. Chị Phước chia sẻ: Người dân ở đây rất thân thiện và mến khách. Có nhà ở Ban Lung, tuy nhiên, do quãng đường cũng không quá xa, nên từ khi sang đây làm ăn buôn bán, năm nào chị và gia đình cũng về quê nội ở Gia Lai ăn Tết. Nhưng mấy Tết gần đây, chị thường ở lại BanLung vì mong muốn tập trung làm ăn để có một khoản tiền tích góp rồi về Việt Nam sinh sống.
Khi được hỏi về cảm giác như thế nào khi ăn Tết Việt trên đất bạn, chị Phước hào hứng kể, Tết ở đây cũng đầy đủ lắm, có bánh chưng, giò, quần áo vàng mã, đồ cúng, bông, trái, hoa mai… Người Việt Nam ăn Tết ở BanLung giống hệt như ở quê hương, cũng làm lễ ông Công ông Táo, cũng dọn dẹp ban thờ, gói bánh chưng… Có một điểm khác biệt là vào ngày cúng ông Táo, người Việt ở BanLung sẽ bỏ hết tro trong bát hương và bốc lại chân nhang mới, trong chân nhang mới sẽ có 5 loại đậu khác nhau cùng với gạo với mong muốn năm mới mang lại nhiều cái mới, tốt đẹp hơn năm cũ.
Ở đây, người Campuchia ăn Tết Việt cũng chẳng khác Tết chính của họ. Chính tình cảm thân thiện và ấm cúng của người Campuchia dành cho người Việt làm ăn trên đất BanLung khiến những người như chị Phước có cảm giác như đang được ăn Tết trên chính quê hương Việt Nam. Là người gốc Bắc, lấy chồng người Quy Nhơn nhưng sang BanLung lập nghiệp từ năm 1990, cô Phùng Thị Kim Yến (sinh năm 1954) - chia sẻ: Trước kia, khi sang BanLung làm ăn, do chưa có phương tiện vận chuyển, phải đi bộ 4-5 ngày mới tới nơi, bùn lầy, mùa mưa đến đi lại rất khổ nên hơn chục năm đầu, cô ở lại BanLung để ăn Tết. "Người dân ở đây rất vui vẻ, hòa đồng, họ cũng cùng ăn Tết với người Việt nên cái cảm giác nhớ nhà dịu bớt"- cô Yến tâm sự.
Bữa cơm trên đất bạn tại quán ăn do người Việt mở với gạo Campuchia, các món ăn được nấu theo cách thức của địa phương bằng đầu bếp người Việt giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm hữu nghị Campuchia - Việt Nam.
Mùa xuân BanLung đẹp, không chỉ bởi màu xanh, một màu ấm no của những đồi cao su, điều, tiêu bạt ngàn, mà còn bởi tình cảm chân thành, nồng ấm của người dân BanLung và Việt kiều dành cho những vị khách đặt chân đến mảnh đất này. Vẻ đẹp của mùa xuân, của núi rừng và của tình người hòa quyện vào nhau thật ấm áp!