Thứ sáu 03/01/2025 10:24

Bài thuốc dân gian từ loài cỏ mọc dại

Cây cỏ may tuy chỉ là một loại thực vật mọc hoang dã nhưng lại là bài thuốc dân gian được dùng chữa bệnh viêm gan, vàng da, vàng mắt, giun chui ống mật…

Cỏ may là một loại cỏ mọc dại khắp nơi ở nước ta, tưởng chừng như vô dụng, nhưng lại xuất hiện trong một số bài thuốc dân gian quen thuộc. Được xem là dược liệu giúp trị các bệnh về gan, vàng da, hay trị giun đũa, giun chui ống mật…

Cỏ may hay còn được gọi là Cây bông cỏ, Châm thảo, Thảo tử hoa, Thúy hồ điệp, Trúc tiết thảo, Thúy nga mi… có tên khoa học là Chrysopogon Aciculatus thuộc họ Lúa Poaceae.

Cỏ may là một loại cỏ mọc dại khắp nơi, tưởng chừng như vô dụng, nhưng lại xuất hiện trong một số bài thuốc dân gian. Ảnh minh họa

Cỏ may là loại cây cỏ bò lan sống lâu năm ưa ánh sáng và có thể chịu được hạn. Rễ cây bám sâu xuống lòng đất tạo nên những thảm cỏ dày nên thường được trồng dọc theo các bờ đê nhằm chống xói mòn hay lở đất.

Đặc biệt, bên trong cây cỏ may có chứa nhiều thành phần có tác dụng dược lý có lợi cho sức khỏe, dân gian thường dùng để thanh lọc, giải nhiệt, trừ giun sán, giảm đau nhức…

Cây cỏ mây có phần thân rễ khá cứng mọc bò cắm sâu xuống lòng đất còn phần thân cây thì bò lan trồi lên trên, mọc thẳng đứng cao khoảng 20 đến 50cm, có nhiều đốt.

Lá cây cỏ may mọc so le, phiến lá dày khoảng 2 đến 10cm, rộng 3 đến 5mm, đầu lá nhọn, mép uốn lượn, cuống hơi tròn và nhẵn.

Hoa cỏ may màu tím than hoặc màu nâu thường mọc theo cụm thành chùy kép thẳng đứng dài khoảng 15cm. Mỗi nhánh có một bông nhỏ lưỡng tính không cuống hình dải dẹt có lông và hai bông đực, nhị 3. Quả của cây bông cỏ may hình dải, mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 12.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Toàn cây cỏ may đều có tác dụng dược lý tuy nhiên bộ phận được sử dụng làm thuốc nhiều nhất chính là phần thân rễ.

Có thể thu hái dược liệu cỏ may vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Sau khi thu hái cần rửa sạch rồi thái thành lát nhỏ, phơi hoặc sấy khô và cho vào túi kín bảo quản nơi thoáng mát để dùng dần.

Thành phần hóa học

Cây thuốc bông cỏ may có chứa những thành phần cho tác dụng dược lý như: Tannin, Flavonoid, Saponin, Gôm, Alkaloid, Glycosid…

Tác dụng của rễ cỏ may

Theo đông y, dược liệu cỏ may vị ngọt hậu hơi đắng, tính mát có tác dụng:

+ Thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu độc.

+ Chữa giun chui ống mật, sổ giun đũa giun sán.

+ Hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp.

+ Chữa bệnh vàng da, vàng mắt, bệnh gan.

+ Hỗ trợ quá trình hồi phục vết thương, lở loét.

Bài thuốc chữa bệnh từ cỏ may

Hỗ trợ chữa da vàng, mắt vàng, bệnh về gan.

Dùng 300g rễ cỏ may thái nhỏ, sao vàng, sắc với 1/2 lít nước còn 250ml, chia 2 lần uống thay nước trà trong ngày. Uống liền trong 4 - 5 ngày.

Hỗ trợ trị giun đũa, giun chui ống mật

Dùng 18-20 hạt cỏ may sao vàng, đun sôi với 1/2 lít nước, cô lại còn 150ml, uống tất cả nước sắc này 1 lần sau bữa ăn.

Chữa sốt, cảm mạo, tiểu tiện khó khăn

Cỏ may 15g, Đạm trúc diệp 15g, Hồ lô trà 9g. Sắc nước uống làm ba lần trong ngày.

Những lưu ý khi dùng dược liệu cỏ may

+ Vị thuốc cỏ may thường dùng tươi hoặc sắc thuốc thang.

+ Rửa sạch dược liệu trước khi sử dụng.

+ Phụ nữ đang mang thai và cho bé bú không nên sử dụng.

+ Nên tuân thủ liều lượng đã được khuyến cáo.

Để đảm bảo an toàn, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Lê Nguyệt
Bài viết cùng chủ đề: an toàn sức khỏe