Thứ tư 01/01/2025 08:19
Sinh lợi từ thủy điện – Nhìn từ Quảng Nam

Bài cuối: Phát triển thủy điện theo hướng bền vững

Từ những kết quả tích cực thủy điện mang lại trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam định hướng tiếp tục phát triển thủy điện theo hướng bền vững.

Khai thác tối đa tiềm năng các nguồn thủy điện

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung liên quan để hoàn thiện phương án phát triển điện lực nói chung và các dự án thuỷ điện nói riêng trong quy hoạch tỉnh sao cho phù hợp với Quy hoạch điện VIII, yêu cầu thực tế và dự báo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phương án phát triển mạng lưới cấp điện, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đã được quy hoạch trong thời kỳ trước và đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng theo tiềm năng của địa phương. Khai thác tối đa tiềm năng các nguồn thủy điện, tận dụng nguồn thủy năng trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để khai thác thủy điện; đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà phù hợp điều kiện thực tế, nhu cầu của tỉnh và phù hợp với Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo môi trường, bảo vệ rừng và an ninh nguồn nước.

Vệ sinh, bảo dưỡng, thí nghiệm các thiết bị Trạm phân phối 220 kV – Nhà máy Thủy điện A Vương.

Tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức mới đây (ngày 16/3), ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh rằng, tỉnh đã xác định con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Quá trình phát triển, phải hết sức lưu ý đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa. “Tỉnh Quảng Nam giữ vững nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, ông Thanh nhấn mạnh.

Đối với việc phát triển thuỷ điện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh sẽ dừng ở các dự án thuỷ điện đã có trong quy hoạch và không phát triển thêm nữa.

Quảng Nam sẽ khai thác tối đa tiềm năng các nguồn thủy điện, tận dụng nguồn thủy năng trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để khai thác thủy điện.
Ông Lê Trí Thanh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
“Những dự án nào chậm tiến độ, kéo dài, nhà đầu tư không có năng lực, không quyết tâm thực hiện, nhất là đối với các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, gây tổn hại đến môi trường tự nhiên, đời sống người dân, tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét thu hồi, không bổ sung và loại hẳn ra ngoài quy hoạch, tập trung đầu tư các thuỷ điện hiện có”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh lưu ý.

Gỡ vướng trong thực hiện Quy trình 1865

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, từ khi có Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (gọi tắt Quy trình 1865), các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động tính toán và phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước qua phát điện phù hợp với tình hình thời tiết, nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện và nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du. Tuy nhiên, hằng năm, do ảnh hưởng của triều cường, khu vực hạ du sông Thu Bồn thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu vào nội địa, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương: Điện Bàn, Duy Xuyên và Hội An.

Trong mùa lũ, thực tế vận hành điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có xảy ra kịch bản mực nước tại các trạm thủy văn thấp hơn mức báo động II (hoặc chưa vượt giá trị mực nước để quyết định vận hành cắt giảm lũ cho hạ du), nhưng lưu lượng về hồ vượt ngưỡng phải vận hành cắt giảm lũ cho hạ du theo quy định. “Việc vận hành như trên sẽ làm giảm dung tích phòng lũ của hồ để tham gia cắt đỉnh lũ trong khi vùng hạ du vẫn chưa ngập lớn”, ông Bửu nói.

Ngoài ra, theo quy định Quy trình: Chủ hồ thủy điện thực hiện bản tin dự báo lũ về hồ định kỳ 03 giờ 01 lần; nội dung bản tin dự báo gồm mực nước hồ, lưu lượng đến hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới; trong đó phải xác định thời gian xuất hiện đỉnh lũ về hồ; dự kiến tổng lượng xả tại các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới. Tuy nhiên, thực trạng số lượng trạm quan trắc đo mưa trên lưu các hồ chứa thủy điện còn thưa, công tác dự báo lũ về hồ chưa kịp thời, số liệu dự báo tại các thời điểm chưa thống nhất nên đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác tính toán vận hành điều tiết hồ trong mùa lũ và công tác cảnh báo ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

Thủy điện Đăk Mi 4 vận hành điều tiết nước.

Mặt khác, do tính chất đặc thù về điều kiện thời tiết, khí hậu thủy văn khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, mưa lớn kéo dài nhiều ngày và kết thúc muộn. Qua theo dõi diễn biến mưa lũ trong những năm gần đây nhận thấy có những năm mưa lớn kéo dài sang tháng 1 năm sau nên rất bị động và khó khăn trong ứng phó với những đợt mưa này (vì từ ngày 16/12 hằng năm các hồ chứa thủy điện được phép tích nước đến cao trình mực nước dâng bình thường).

Quy trình 1865 quy định từng thời điểm trong mùa cạn thì các hồ chứa (A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Côn 2 bậc 1, Khe Diên) phải đảm bảo mực nước hồ ở cao trình tương ứng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc huy động các nhà máy thủy điện của đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong khi mực nước các hồ này không đảm bảo (thấp hơn) theo quy định tại Quy trình 1865 đã ảnh hưởng đến tình hình sử dụng nước (sản xuất và sinh hoạt) ở hạ du trong mùa cạn.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định số 1865.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia chỉ được huy động, mua bán điện đối với các nhà máy điện có mực nước hồ chứa đảm bảo theo định tại Quy trình 1865.

Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các chủ đập thủy điện nâng cao năng lực, trách nhiệm hơn nữa trong công tác dự báo lũ về hồ. Theo đó, đề nghị đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác dự báo nhằm nâng cao chất lượng bản tin dự báo lũ về hồ và theo dõi diễn biến mưa, lũ về hồ theo thời gian thực”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị.

Hiện các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đa số nằm ở các khu vực miền núi (khu vực đồng bằng, trung du cơ bản đã hoàn thiện) nên ít nhiều đều có tác động đến các loại đất rừng, rừng, việc thực hiện các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện đầu tư các dự án ngành điện, khiến tiến độ thực hiện các dự án chưa đảm bảo mục tiêu.

Vì vậy, UBND Quảng Nam đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành liên quan xem xét rà soát, hoàn thiện và có hướng dẫn cụ thể nội dung, quy trình thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng để các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện. Đối với các dự án chiếm đất rừng tự nhiên nhỏ đề xuất Chính phủ phân cấp, ủy quyền, giao cho địa phương chủ động phê duyệt theo điều kiện thực tế, không thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ.

Hạ Vĩ
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Nam